Rước bệnh khi dùng nước rửa bát tự chế

author 12:02 24/03/2014

Không nhãn mác bao bì, không có thông tin nhà sản xuất, thành phần, hạn sử dụng, giá rẻ… là điểm chung của các loại nước rửa chén tự chế đang bày bán tràn lan tại các chợ ở TP. Nha Trang.

Giá rẻ như bèo

Trong vai người đi mua nước rửa chén cho dịch vụ ăn uống mới mở, chúng tôi được bà H. - bán hàng gia vị tại chợ Vĩnh Hải giới thiệu: “Cô nên mua loại nước rửa chén tự chế cho rẻ. Nhiều quán ăn, quán nhậu, nhà hàng đều sử dụng nước rửa chén này. Ở đây cần bao nhiêu cũng có bởi cơ sở pha chế giao hàng thường xuyên”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nguồn gốc, xuất xứ của nước rửa chén thì bà H. lắc đầu nói: “Tôi không biết số điện thoại cũng như địa chỉ cơ sở sản xuất nước rửa chén này. Tuần nào họ cũng đến chào hàng. Lúc đầu, nghe họ chào hàng hay nên tôi lấy thử, không ngờ bán chạy nên tôi bán luôn. Chắc họ làm chui, sợ trốn thuế nên không dám tiết lộ thông tin”. Bình quân mỗi tuần, bà H. bán hơn 50 lít nước rửa chén tự chế, chủ yếu bỏ mối cho các quán ăn, quán nhậu, doanh nghiệp...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng cửa hàng của bà H. mà tại nhiều sạp hàng bán đồ gia vị khác ở chợ Vĩnh Hải, các loại nước rửa chén không nhãn mác được bày bán công khai, đựng trong các can, chai nhựa đã qua sử dụng với nhiều dung tích khác nhau từ 0,5 lít, 1,5 lít, 5 lít... Nhiều can, chai đựng nước rửa chén cũ kỹ, cáu bẩn, thậm chí đặt cạnh vũng nước dơ rất mất vệ sinh. Đa số bình đựng nước rửa chén không ghi rõ nơi sản xuất, không nhãn mác, không có các thông tin bắt buộc ghi trên nhãn mác hàng hóa, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng... Một số sản phẩm có dán nhãn nhưng nội dung rất sơ sài (chỉ gồm tên cơ sở, số điện thoại, kèm theo dòng quảng cáo đại loại như: “Tẩy sạch dầu mỡ, không hại da tay” hoặc “Đậm đặc và khử mùi, mềm mại da tay”.

Tại các chợ Xóm Mới, Bình Tân, nước rửa chén không nhãn mác cũng được bày bán công khai. Hình thức, giá bán tương tự chợ Vĩnh Hải. Riêng chợ Đầm, việc buôn bán kín đáo hơn. Các chủ cửa hàng thường để những chai nước rửa chén tự chế lẫn lộn với các mặt hàng khác. Bà N. (chủ một sạp hàng khô ở chợ Xóm Mới) phân bua: “Hàng này có nhiều người mua nên chưng ra ngoài cho khách dễ thấy. Chai nhỏ dùng cho gia đình, chai lớn bán cho nhà hàng, quán ăn...”.

Thấy chúng tôi lo ngại về chất lượng sản phẩm, bà N. tỏ vẻ khó chịu: “Tiền nào của nấy, không mua thì thôi, đương nhiên là sản phẩm có thể làm hại da tay rồi”. Được biết, sạp hàng của bà N. bán trung bình khoảng 10 lít/ngày.

Hiện nay, nước rửa chén tự chế được bán ở nhiều chợ.

Hiện nay, nước rửa chén tự chế được bán ở nhiều chợ.

Giải thích tại sao nước rửa chén tự chế vẫn ăn khách, nhiều chủ sạp hàng cho biết do giá của loại nước rửa chén này rẻ hơn nhiều lần so với nước rửa chén thông thường. Một chai nước rửa chén hiệu Sunlight hay Mỹ Hảo... (loại 725ml) có giá 18.000 - 27.000 đồng, trong khi nước rửa chén không nhãn mác gấp đôi thể tích giá chỉ 13.000 đồng, loại 5 lít giá từ 35.000 đến 40.000 đồng...

Liệu có đảm bảo?

Một số bà nội trợ cho biết, sau khi dùng thử nước rửa chén không tên thì ngại dùng lần thứ hai. Thậm chí, có người nói dùng được 1/3 chai đã phải bỏ dở vì bị lở tay. Bà Nguyễn Thị Sy (chủ hàng ăn trên đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) cho biết, trước đây bà cũng mua nước rửa chén tự chế, nhưng khi sử dụng khoảng một tuần thì bị rộp da tay, mùi khó chịu. Mặt khác, loại nước này rất loãng nên khi rửa phải xài gấp đôi so với những loại có tên tuổi khác...

Chủ một cơ sở sản xuất nước rửa chén ở Diên Khánh tiết lộ, các cơ sở làm nước rửa chén tự chế thường sử dụng nhiều loại hóa chất như: chất tẩy rửa, tạo bọt, tạo màu, tạo mùi, một số phụ gia... Nếu áp dụng đúng công thức pha chế với tỷ lệ hóa chất thích hợp thì vẫn an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại nước rửa chén không nhãn mác với hàm lượng không thể kiểm soát, dẫn đến sản phẩm chưa được trung hòa, bị axít hay kiềm làm hại da tay, rất nguy hiểm. Nước rửa chén không đạt yêu cầu bị kết tủa, lắng cặn dưới đáy hay để lâu bị biến chất. Hơn nữa, do được pha chế tùy tiện nên trong quá trình “cộng gộp”, khuấy đảo dễ phát sinh nhiều chất độc hại...

Ông Nguyễn Văn An, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Về nguyên tắc, Chi cục chỉ xử phạt việc chưa thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa. Để xem xét chất lượng, phải lấy mẫu kiểm nghiệm và gửi cơ quan chức năng. Theo quy định, hành vi vi phạm về nhãn mác được quy định theo giá trị hàng hóa vi phạm. Người kinh doanh vi phạm mức độ nào sẽ có khung xử phạt theo mức đó. Thời gian tới, gắn với các nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái, đo lường chất lượng, Chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội kiểm tra nhiều mặt hàng, trong đó có nước rửa chén.

Ông An cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà chọn mua các loại nước rửa chén không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, vì có thể không đảm bảo chất lượng, nên mua nước rửa chén của các hãng, nơi kinh doanh có uy tín. Khi chọn mua nước rửa chén, cần chọn sản phẩm có tem, dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng. Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, thành phần, cảnh báo an toàn, hướng dẫn sử dụng...

Theo Báo Khánh Hoà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang