Rượu huyết động vật: Bác sỹ nói gì?

author 05:51 18/07/2013

Từ những lời đồn về rượu pha huyết rắn giúp “một người uống, hai người vui”, nhiều người còn “phát minh” ra đủ loại rượu huyết từ ba ba, chim sẻ, dê… thậm chí đến huyết ngựa, mèo cũng được đem lên bàn nhậu.

 Công dụng đến đâu chưa rõ, nhưng đã có không ít trường hợp ngộ độc, nhiễm bệnh, thậm chí tử vong vì các loại rượu pha huyết này.

Rắn được lấy tiết để phục vụ dân nhậu

Uống vì... nghe đồn

Hiện nay, hầu hết các quán nhậu ở TP.HCM đều có “dịch vụ” rượu pha huyết. Huyết của những loài động vật lớn như dê, hươu, ngựa, mèo… được trữ sẵn trong tủ lạnh, khách có nhu cầu mới đem ra pha vào rượu trắng. Riêng huyết các loài như rắn, chim sẻ… được cắt tiết ngay tại bàn cho “nóng”. Giá rượu pha các loại huyết cũng tùy vào độ “hiếm” của loài động vật được lấy tiết nhưng nhìn chung khá bình dân (từ 35.000 - 60.000đ/lít).

Tại quán ba ba Lộc Thịnh (Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp), huyết ba ba được trữ sẵn trong tủ lạnh, chỉ pha khi khách yêu cầu. Một ly huyết pha chung với một xị rượu, vì theo chủ quán, pha rượu nhiều sẽ làm mất độ “bổ” của huyết. Quán ẩm thực Tri Kỷ (Cây Trâm, Q.Gò Vấp), có món đặc sản là rượu pha huyết rắn. Khách hàng ăn rắn sẽ kèm rượu pha loại huyết này. Rắn được xử ngay tại bàn cho khách xem.

Một quán "tiểu hổ" trên đường Lương Định Của, Q.2 nổi tiếng về cả đồ nhắm và rượu pha huyết mèo. Không thể cắt tiết mèo trên bàn nhậu nên huyết được trữ trong tủ lạnh. Chủ quán cho biết, thịt mèo đang bán rất chạy nên rượu huyết mèo theo đó rất đắt, không phải khách nào muốn uống cũng có, mà phải đặt trước vài ngày.

Có người chọn uống rượu huyết ngựa vì tin sẽ có sức lực như... ngựa trong chuyện gối chăn; chọn huyết dơi và chim sẻ vì tin huyết của những con vật bay bền bỉ này không thể thiếu tác dụng tăng cường sinh lực… “Khoa học” hơn, có người lý giải, muốn tăng thời gian lâm trận cần phải tăng cường bơm máu đến dương vật, uống rượu pha thêm huyết chính là tăng cường bơm máu!...

Mới đây, bệnh nhân T.V.T. (20 tuổi, ngụ Giồng Riềng, Kiên Giang) đã phải vào cấp cứu tại BV Nguyễn Tri Phương trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, chảy máu chân lông (nọc rắn làm rối loạn đông máu) do uống rượu pha huyết rắn. Sau 12 ngày thở máy, bệnh nhân đã tử vong do ngộ độc quá nặng. 12 người ở Đăk Lăk sau khi uống rượu pha với tiết con nưa cũng phải vào BV vì ngộ độc nặng.

Tại Khoa Nam học BV Bình Dân có nhiều bệnh nhân đến chữa yếu sinh lý, rối loạn cương dương vì lạm dụng uống rượu theo kiểu “uống gì bổ nấy”

Tại Khoa Nam học BV Bình Dân có nhiều bệnh nhân đến chữa yếu sinh lý, rối loạn cương dương vì lạm dụng uống rượu theo kiểu “uống gì bổ nấy”

Các chuyên gia nói gì?

BS Kim Văn Trung - Khoa Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương cho biết, BV từng cấp cứu một số trường hợp bị ngộ độc do uống rượu pha với huyết động vật. Sau những triệu chứng ban đầu thì người bệnh có thể sẽ không điều khiển được hành vi, buồn nôn, đau bụng, nói líu lưỡi. Nếu uống nhiều sẽ không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, co giật. Cấp cứu muộn hơn, bệnh nhân bị hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy tuần hoàn, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.

BS Kim Văn Trung cảnh báo, khi uống rượu pha huyết rắn hoặc mật rắn trong thời kỳ rắn có hàm lượng độc tố trong máu, mật cao, người uống cũng vô tình nuốt phải độc tố vào người. Những người bị viêm lợi, viêm hầu họng, xuất huyết đường tiêu hóa… độc tố dễ ngấm vào máu hơn. Nếu hàm lượng chất độc nhỏ sẽ gây kích thích tim, hoại tử các vết thương, các điểm bị viêm nhiễm, dẫn đến nhiễm trùng kỵ khí; hàm lượng chất độc lớn có thể gây tử vong. Ngoài ra, trong máu động vật còn có nhiều loại vi khuẩn ký sinh như tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus Aureus), vi khuẩn salmonella, vi khuẩn shigella và các loại vi-rút gây bệnh mà các loại rượu có nồng độ cồn từ 29 - 400, nhất là khi đã ngâm hoặc pha huyết rắn không thể diệt được độc tố, vi khuẩn có trong các loại máu.

Máu động vật khi bị giết dễ nhiễm tụ cầu khuẩn và sinh ra độc tố ruột mà các men tiêu hóa không thể tiêu diệt được. Tụ cầu khuẩn nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột và máu, tác động lên thần kinh thực vật khiến co bóp ruột và dẫn đến các triệu chứng ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy… Nếu nặng, bệnh nhân sẽ tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước, trụy tim mạch. Vi khuẩn salmonella và shigella có nhiều trong máu động vật, nếu vào trong ruột sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột, nhiễm khuẩn huyết, phá hủy các tổ chức tạng phủ khiến người nhiễm đau quặn bụng, tiêu chảy. Riêng các loại vi-rút gây bệnh có thể phá hủy tế bào gan, gây xơ gan, viêm gan A với thời gian sau 28 - 30 ngày, viêm gan E sau 40 ngày bằng cách thông qua đường ruột, tấn công sang máu và tế bào nhu mô ở gan; vi-rút astro gây hủy hoại niêm mạc ruột, viêm dạ dày.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cảnh báo: khi uống rượu pha các loại huyết động vật, người uống đang đùa giỡn với sức khỏe chính mình vì có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Trong máu một số loài động vật như dê, hươu, nai, thỏ, khỉ, ba ba… có chứa nhiều ký sinh trùng như Trypanosoma sp, Leishmania sp, giun chỉ, vi-rút dại. Các loại ngan, vịt, chim dễ bị dịch bệnh cúm gia cầm, nhiễm khuẩn Samonella typhi.

Theo ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân, việc uống rượu pha huyết động vật của các ông với mục đích bổ máu, tăng cường bơm máu đến dương vật để dương vật “hoành tráng” và kéo dài thời gian xuất tinh là một quan niệm sai lầm. Khi phân tích một đơn vị máu của bất cứ loài nào thì cũng chỉ có: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và những kháng thể chứ không có một chất nào có thể điều trị rối loạn cương. Chưa kể, việc lạm dụng rượu (dù bất cứ rượu gì) còn làm giảm lượng tinh trùng có trong tinh dịch, giết chết tinh trùng và làm dị tật tinh trùng.

Theo PNO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang