'Loạn rượu ngâm', người tiêu dùng uống độc vào người

author 11:59 24/03/2017

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, người dùng nên thận trọng khi mua các loại rượu ngâm ngoài thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe.

Báo Lao động Thủ đô đưa tin, thực trạng tạp nham rượu ngâm hiện nay đang tiềm ẩn không ít nguy hại, nhưng loại rượu này lại được ưu ái, tiêu thụ rất mạnh. Từ gốc rễ, cây cỏ, rắn, rết, bào thai động vật… không kể chủng loại nào, không cần biết tốt xấu ra sao, miễn “đặc sản”, thuốc quý… là nhiều người cho vào trong bình rượu.

Không ít người hiện nay có trào lưu "sùng bái" rượu ngâm và đặc biệt rượu càng lạ, càng độc đáo lại càng được ưa chuộng. Họ cho rằng mặt hàng này, không những thể hiện độ sành sỏi, mà uống rượu ngâm như một bài thuốc. Từ những hũ rượu rắn hổ mang, rượu bọ cạp, rượu anh túc… cứ nghe loại nào bổ, tốt, thần dược là người ta lại khoái sưu tầm, thưởng thức. Nhiều người còn lựa chọn đây là thứ quà biếu đầy giá trị và thể hiện độ chịu chơi.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/724705/lam-dung-ruou-ngam-ruoc-hoa-vao-than

Trên thị trường bán tràn lan các loại rượu ngâm. Ảnh: Lao động Thủ đô

Chính vì vậy, thị trường của loại rượu này nhộn nhịp, hỗn tạp như một loại “ma trận”. Từ tiệm phố, tiệm quê cho tới mạng xã hội, rượu ngâm được phủ sóng rộng khắp với đủ loại.

Trước thực tế trên, các chuyên gia về y học cổ truyền cho rằng, sai lầm của nhiều người là cứ nghe thấy con vật hay loài cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, trị bệnh, tốt cho xương khớp là bê nguyên con, nguyên cây, nguyên củ quả cho vào ngâm rượu. Chẳng hạn, có người đã dùng nấm lim xanh để ngâm rượu vì nghĩ rằng sẽ rất bổ mà không biết rằng điều đó nguy hiểm, bởi nấm mọc trên cây lim xanh chứa nhiều độc tố.

Một loài vật được sử dụng nhiều để ngâm rượu là tắc kè, theo y học cổ truyền, tắc kè có công dụng tốt cho sinh lý, chữa đau nhức phong thấp nhưng mắt của con vật này lại có chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy, trước khi ngâm rượu cần làm sạch tắc kè, bỏ hai con mắt và lục phủ ngũ tạng, nướng sơ qua. Điều nguy hiểm hơn nhưng ít người biết với các con vật, nếu sử dụng rượu 40 độ hay thấp hơn để ngâm rồi uống thì sẽ rất bẩn và độc. Bởi với nồng độ đó, rượu không những không làm chín con vật mà còn khiến con vật bị phân hủy và sinh ra độc tố.

Người tiêu dùng nên thận trọng trước các loại rượu ngâm. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Theo báo Hà Nội Mới, trước đó Cục ATTP cũng đã phân tích, các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là do uống rượu quá nhiều, rượu ngâm với các loại động vật, rễ, củ, quả có độc tính cao… hoặc ngâm không theo định lượng nhất định. Do đó, người dân tuyệt đối không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá... Thậm chí, nếu uống quá nhiều rượu cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ ngộ độc; về lâu dài còn gây bệnh như tổn thương não, xơ gan, viêm loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ… Để uống rượu an toàn, mỗi người không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700 ml/ngày đối với bia.

Đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45 đến 55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng 40-50 độ.

Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm.  Việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có công thức, có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y.

Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp… rất nguy hiểm.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang