"Sách ảo” vi phạm bản quyền trắng trợn

author 09:12 18/10/2012

(VietQ.vn) - Theo nhận định của nhiều nhà xuất bản, thị trường sách in đang lâm vào cảnh "chợ chiều" trong khi chi phí in ấn, tiền bản quyển trả cho tác giả thì ngày một “leo thang”. Sách in có bản quyền ế ẩm không chỉ bởi khó cạnh tranh với sách in “lậu” mà còn xuất hiện thêm một đối thủ mới - những cuốn sách điện tử (hay còn gọi là ebook) vi phạm bản quyền tràn lan trên internet. Không thể kiểm soát nổi sách “ảo”

Không thể kiểm soát nổi sách “ảo”

Chỉ cần vài cái click chuột, hoặc “lướt” qua một số trang web, diễn đàn như www.e-thuvien.com, www.vnthuquan.net, www.vietlion.com/ebk/, www.statmyweb.com/s/thu-vien-ebook …. người yêu sách có thể tìm được ngay những cuốn tiểu thuyết “best- seller”, hoặc những cuốn “hot” trên thị trường sách. Thậm chí, nhiều cuốn sách bị tịch thu, đình bản cũng được xuất hiện tràn lan trên mạng dưới dạng ebook. 
 
Trên thực tế, việc đăng tải ebook hay copy ra nhiều bản cực kỳ đơn giản và hầu như không tốn mấy công sức, thời gian. Thậm chí, việc sản xuất ebook còn đơn giản hơn việc in ấn, sao chép sách in “lậu”. Các website chia sẻ sách điện tử luôn có cả một đội ngũ tình nguyện viên chuyên ngồi gõ lại những cuốn sách hay và đang ăn khách trong nước để đưa lên mạng. 
 
Bạn Lê Thanh Hùng, sinh viên trường Đại học Quốc Gia cho biết “Do giá thành của sách “thật” khá cao, thư viện trường lại không thể đáp ứng được nhiều đầu sách cho sinh viên mượn. Do đó, nhiều bạn đã tìm đến sách “ảo”, vừa tiện lợi, vừa miễn phí chỉ cần đăng ký tên thành viên là có thể download sách“. 
Thị trường sách in đang gặp nhiều khó khăn
Thị trường sách in đang gặp nhiều khó khăn
 
Thành viên meoluoi_timcaran trên diễn đàn thuvien-ebook chia sẻ “Tôi là người rất yêu sách và cũng đã mua rất nhiều cuốn tiểu thuyết bản in. Tuy nhiên, những cuốn tiểu thuyết này thường chỉ đọc một lần rồi hiếm ai có thời gian đọc lại. Trong khi, với giá sách hiện nay thì kể cả bỏ tiền mua sách “lậu” cũng phải mất đến vài chục nghìn một cuốn.”
 
Chính vì những tiện ích như vậy, thành viên của các trang web cung cấp ebook này ngày càng đông đảo. Một ngày có đến hàng chục đầu sách được “cập nhật” thường xuyên, và mỗi cuốn có thể thu hút hàng trăm lượt tải vể. Người yêu sách cứ vô tư đọc, vô tư tải về, chẳng cần  phải quan tâm đến công sức của nhà văn hay sự lỗ lãi của các nhà xuất bản. 
 
Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại điện thoại thông minh, các thiết bị đọc điện tử di động hiện đại giúp cho việc đọc sách trên mạng trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. Với những thiết bị hiện đài này, mọi sách điện tử đều rất giống sách in. Người xem có thể lật trang bằng cách bấm nút hoặc lấy tầm nhìn gần để trông rõ hơn các hình vẽ hoặc lấy tầm nhìn xa để xem lướt qua nhiều trang đặt kề nhau. Điều này càng khiến cho số người thích đọc "sách chùa" ngày càng nhiều hơn.
 
Chấp nhận “sống chung với lũ”
 
Được biết, một cuốn sách thuộc diện “best seller” tiền mua bản quyền khoảng từ 2.000 - 3.000USD, có khi còn lên tới 5.000USD, còn sách nước ngoài loại rẻ nhất cũng khoảng 1.000USD. Việc dịch sách không như trước kia là hợp đồng với một dịch giả có uy tín, giờ thường chẻ nhỏ ra các chương và thuê sinh viên dịch, rồi thuê người tổng hợp, hiệu đính lại. 
 
Tất nhiên tùy theo số trang dịch, loại sách, nhưng nói chung, tổng cộng chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay thuộc diện sách bán chạy từ 70 - 80 triệu đồng (tiền mua bản quyền, tiền dịch, tiền xin giấy phép, biên tập, in ấn, quảng cáo truyền thông...). Và công đoạn sản xuất 1 cuốn sách mất từ 4 - 6 tháng (từ tìm kiếm sách, mua bản quyền, dịch, hiệu đính biên tập, thiết kế, xin giấy phép, in ấn, quảng bá sách)... 
 
Bao công sức như thế, nhưng với các chủ trang web, việc làm ebook tung lên mạng chỉ mất mấy ngày, nhất là khi số thành viên tự nguyện tham gia gõ vi tính đưa lên ngày càng đông với danh nghĩa “chia sẻ văn hóa đọc”. Việc vi phạm bản quyền trên không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị xuất bản mà còn làm ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn với các NXB nước ngoài... 
Đọc sách điện tử
Đọc sách điện tử (Ảnh internet)
 
 Do đó, rất nhiều nhà xuất bản lo ngại trước sự tấn công của việc vi phạm bản quyền và phát tán các quyển sách điện tử một cách bất hợp pháp trên mạng. Vi phạm bản quyền kỹ thuật số từ lâu tấn công ngành công nghiệp âm nhạc và phim ảnh, bây giờ đang lan nhanh đến lĩnh vực xuất bản. 
 
Nhưng có lẽ giống như lĩnh vực âm nhạc và phim ảnh, các nhà xuất bản cũng chỉ còn biết “sống chung với lũ”. Đại diện của 1 nhà xuất bản thông tin, hiện bộ phận pháp lý của nhà xuất bản không có thẩm quyền cũng như thời gian để kiểm tra xem website nào đã vi phạm bản quyền sách của mình và những tác phẩm nào đã bị sao chép bất hợp pháp. Trong khi hiện tại lĩnh vực này chưa hề được kiểm soát và trong thực tế có rất nhiều sách được chuyển đổi từ xuất bản phẩm in sang xuất bản phẩm điện tử đều không có bản quyền. Với đà phát triển như thế này, nếu không có biện pháp xử lý và không có chế tài thì loại hình xuất bản phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ biến tướng rất khó lường.
 
Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ban hành ngày 13/5/2009 của Chính phủ cũng đã có quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan với mức phạt nặng nhất đã được nâng lên đến 500 triệu đồng so với 70 triệu đồng trước đây. Nhưng thực tế, nghị định này vẫn không có sức răn đe đối với thị trường ebook trên mạng. Xử lý thị trường “ảo” rộng lớn này cũng không phải là việc dễ dàng, do đó hành vi vi phạm bản quyền trên mạng ngày càng trở nên công khai và trắng trợn. 
 
Sách in lậu cũng có thể giải quyết và thu hồi được vì sách vẫn phải được bán ra thị trường nên chỉ là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã in còn với sách điện tử sao chép lậu thì chưa có chế tài, trong khi đó lại là sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xuất bản phát hành sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sách.
 
Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các điều luật, chế tài xử lý chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ quyền tác giả. Bên cạnh sự hỗ trợ về pháp lý, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Bởi chỉ khi nào ý thức được nâng cao, người đọc biết cảm thấy xấu hổ khi đọc sách “chùa” và các nhà xuất bản quyết tâm hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của mình thì những vi phạm bản quyền của ebook mới có thể bị chặn đứng.
 
Nguyễn Vũ
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang