Sách giáo khoa kém: Sao lúc mới làm không chê?

author 06:45 18/08/2013

(VietQ.vn) – Tại sao những người ngày nay chê sách giáo khoa không phê phán nó ngay khi mới làm xong?

Chê nhiều hơn góp ý: làm thế nào?

Ngày 15/6, Thường vụ Quốc hội có phiên họp đánh giá về sách giáo khoa (SGK). Không chỉ tại phiên họp này mà ở nhiều diễn đàn khác, đã có nhiều ý kiến phê phán SGK của chúng ta quá nặng, không hợp với thực tiễn.

SGK không nên nhồi nhét học sinh, mà hướng đến khơi gợi niềm đam mê. Ảnh: ssis.edu.vn
SGK không nên nhồi nhét học sinh, mà hướng đến khơi gợi niềm đam mê. Ảnh: Ssis.edu.vn

Bình luận về điều này, nhà giáo Bùi Việt Hà, người viết SGK Tin học cho rằng: “Việc viết SGK phải theo qui trình nghiêm ngặt, chặt chẽ. Mà sao bây giờ mới chê, sao không chê từ khi nó mới ra?”.

Người thầy từng học ở Toán ở ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga) còn phân tích, lúc mới bắt đầu chương trình thay đổi SGK này (khoảng năm 1998-1999), đã có nhiều tranh luận. Hồi đó, nhiều quan chức đã yêu cầu viết lại sách, trong khi có ý kiến là chỉ cần nâng cấp bộ SGK cũ, không cần viết lại từ đầu. Nhưng cuối cùng phe ủng hộ viết lại từ đầu đã thắng.

“Bản thân tôi đánh giá bộ sách mới này tốt. Nếu chê, tôi chỉ chê môn Ngữ Văn quá nặng, còn môn Sử thì là lỗi hệ thống rồi, viết sách Sử như viết sách chính trị. Bộ sách này hoàn toàn có thể dùng lâu dài, nếu lần sau có làm mới thì chỉ cần nâng cấp từ bộ sách này, không cần viết lại cho tốn kém” – thầy Bùi Việt Hà cho hay.

Đổi mới như nào?

Từng trao đổi với Chất lượng Việt Nam,  TS Trần Luận (người biên soạn sách giáo khoa Toán hiện hành), thành viên hội đồng làm chương trình và sách giáo khoa môn Toán mới, cho hay, chắc chắn, sách giáo khoa (SGK) mới sẽ không có những bài khó, “đánh dấu sao”, những bài hóc búa với học sinh.

Bởi SGK phải viết cho mọi đối tượng học sinh, kể cả các em học trung bình, đảm bảo tinh giản tối đa.

Theo TS Trần Luận, việc học nặng hay nhẹ không chỉ bắt nguồn từ ngành giáo dục, mà còn từ xã hội, khi ai ai cũng muốn con mình thi đỗ đại học. Nên đề thi đại học phải đảm bảo phân loại, phải chọn được người đỗ, người trượt.

“Sự xuống cấp hay bất cập của giáo dục hiện nay không hoàn toàn do lỗi của SGK. Lỗi ở con người, ở hệ thống của chúng ta. Cần phải thay đổi ở hệ thống, cách chúng ta quản lý, cách chúng ta dạy và đánh giá học sinh, cách chúng ta đối xử với các bằng cấp.....” – thầy giáo Bùi Việt Hà nhận định.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang