Sách giáo khoa mới sẽ có nội dung thế nào?

author 06:59 08/02/2014

Sách giáo khoa là một loại tài liệu dạy học quan trọng, nhưng không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều sách giáo khoa khác nhau cho một môn học.

Dự thảo mới nhất về Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 nhấn mạnh sách giáo khoa là một loại tài liệu dạy học quan trọng, nhưng không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều sách giáo khoa khác nhau cho một môn học.

Đổi mới giáo dục, sách giáo khoa mới, tài liệu dạy học, học sinh, giáo viên

Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa cho một môn học

Giáo viên và học sinh có thể tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau chứ không nhất thiết là SGK.
Nhưng tất cả đều phải căn cứ vào và đáp ứng được mục tiêu giáo dục và chuẩn kết quả cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Theo dự thảo này, việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ chia thành hai giai đoạn: thử nghiệm (từ năm 2014 đến tháng 6/2016) và hoàn thiện (từ tháng 07/2016 đến năm 2022).

Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn thử nghiệm sẽ có 13 công việc cụ thể được vạch ra. Dự kiến hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể, các môn học hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học lớp 1, lớp 6 và lớp 10,…

Giai đoạn từ tháng 07/2016 đến năm 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến phải hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học các lớp 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12.

Đặc biệt, mỗi vùng kinh tế - xã hội (được xác định bởi quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ Việt Nam) chọn một số tỉnh/ thành đại diện; mỗi tỉnh/ thành đại diện chọn một số trường phổ thông đại diện cho các vùng thành thị - nông thôn tham gia thử nghiệm. Mẫu thử nghiệm có khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước.

Với kết quả thử nghiệm trên, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thực hiện chương trình, SGK mới. Cũng trên quan điểm linh động, sau khi chương trình tổng thể cũng như chương trình từng môn học được phê duyệt và SGK được thẩm định, việc chính thức triển khai chương trình mới sẽ không thực hiện đại trà đồng thời trên toàn quốc như chương trình hiện hành.

Việc đánh giá chương trình, thử nghiệm SGK mới, việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành SGK sẽ dựa trên điều kiện phù hợp đối với từng địa phương và nhà trường để bộ sách phát huy đúng tác dụng hơn.
Khi ban hành SGK mới, chỉ những trường có đủ điều kiện mới được áp dụng. 

Cấu trúc sách giáo khoa sau 2015

Trước đó, GS.TS Đinh Quang Báo, Bộ phận thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015, đã đưa ra cấu trúc của sách giáo khoa sau 2015. 

GS.TS Đinh Quang Báo cho biết, để cấu trúc sách giáo khoa sau 2015 đáp ứng được chất lượng, các tác giả phải vừa là chuyên gia nghiên cứu về giáo dục vừa là nhà sư phạm.

Đổi mới giáo dục, sách giáo khoa mới, tài liệu dạy học, học sinh, giáo viên

ách giáo khoa sau năm 2015 sẽ có nhiều thay đổi

Phần mở đầu

Đây là phần rất quan trọng có nội dung nhập môn. Phần này bao gồm giới thiệu giá trị khoa học của môn học, đặc biệt là giá trị của nó đối với hành trang tri thức của mỗi người; hướng dẫn học sinh phương pháp nghiên cứu môn học, các kỹ năng chuyên biệt và năng lực chung mà môn học góp phần phát triển ở học sinh.

Ngoài ra, phần mở đầu còn có vai trò liên hệ nội dung môn học với các môn học khác; nêu các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, khả thi, những tư tưởng có giá trị phương pháp luận; đặc biệt hướng dẫn chi tiết các cách học (lập bảng hệ thống, so sánh, đối chiếu, lập bản đồ khái niệm, bản đồ tư duy, các mẫu trắc nghiệm, tổ chức làm việc nhóm, cách ghi chú vở học sinh…).

Phần nội dung 

Môn học không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết mà nên theo chủ đề, nội dung ứng với các tình huống tích hợp. Như vậy, sách giáo khoa cần được trình bày sao cho các chủ đề sắp xếp logic, khoa học.

Việc thiết kế cần chú ý để mỗi chủ đề có tính trọn vẹn nhất định và đặt tiêu đề ứng với các cấu trúc: phần  - chương - chủ đề - các hoạt động.

Ứng với mỗi cấp độ chủ đề cần có một hệ thống các hoạt động và ứng với mỗi hoạt động là các "gói dữ liệu” chứa đựng các thông tin khoa học, các sự kiện, hiện tượng, các khái niệm làm cơ sở cho hoạt động tìm tòi giải quyết vấn đề. 

Để giúp học sinh huy động tri thức có liên quan đến chủ đề mới cần có phần gợi ý tái hiện lại kiến thức đã học bằng các câu hỏi.

Như vậy, để tổ chức học một chủ đề trong sách giáo khoa cần đảm bảo các nội dung cần biết gì, nghiên cứu đề tài khoa học nào, câu hỏi thảo luận và các hoạt động nhóm là gì, câu hỏi trắc nghiệm và đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu.

Với cấu trúc trên, sách giáo khoa sẽ thực sự là một cẩm nang tổ chức dạy học.

Phần liệt kê các từ vựng

Đây là những từ cốt lõi có giá trị như một khái niệm, thuật ngữ khoa học. Thường các từ này được in đậm trong bài khóa và cuối một chủ đề, một chương, tất cả các từ đó được hệ thống lại thành một danh sách có giá trị như một từ điển.

Index

Đây là phần chỉ dẫn ở cuối sách, trong đó liệt kê tất cả các thuật ngữ, khái niệm đặc biệt cần thiết khi biên soạn sách giáo khoa tích hợp. Index giúp học sinh tra cứu thuận tiện lúc cần huy động kiến thức từ các môn khoa học khác nhau trong sách giáo khoa (tự nhiên, xã hội) để giải quyết các vấn đề tích hợp.

Theo VTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang