Sách Toán mới không có bài khó như GS Ngô Bảo Châu muốn

author 06:07 14/03/2013

(VietQ.vn) – Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ không có những bài “khó, hóc búa” với học sinh.

Không có bài “đánh dấu sao”

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam chiều 13/3, TS Trần Luận (người biên soạn sách giáo khoa Toán hiện hành), thành viên hội đồng làm chương trình và sách giáo khoa môn Toán mới, cho hay, chắc chắn, sách giáo khoa (SGK) mới sẽ không có những bài khó, “đánh dấu sao”, những bài hóc búa với học sinh.

Thay vì ạy những cái 'hóc búa", giáo dục hiện đại hướng trẻ đến tư duy phản biện, óc phân tích, kỹ năng thuyết trình...
Thay vì dạy những cái 'hóc búa", giáo dục hiện đại hướng trẻ đến tư duy phản biện, óc phân tích, kỹ năng thuyết trình...

Bởi SGK phải viết cho mọi đối tượng học sinh, kể cả các em học trung bình, đảm bảo tinh giản tối đa.

Bộ SGK hiện hành (đưa vào từ năm 2002) được chỉnh lý từ bộ sách trước đó áp dụng đã nhiều năm. Theo TS Trần Luận, bộ sách trước đó chứa những bài tập mà có giáo viên phải mất 3 năm mới giải được. Đây là bộ SGK chúng ta làm xong thì thế giới đã đổi mới cách làm khác, nên ta bị tụt hậu.

Bộ sách hiện hành mới chỉ dừng lại ở khâu “chỉnh lý” bộ sách cũ, nên về cơ bản, chưa làm giảm tải chương trình đáng kể.

Vì sao vẫn còn số phức, tích phân?

Trả lời câu hỏi, vì sao SGK lại đưa các kiến thức bậc đại học như số phức, tích phân…để “nhồi nhét” học sinh phổ thông? TS Trần Luận phân tích, nhiều nước trên thế giới cũng thiết kế chương trình học như vậy và trên thực tế, tuy học những khái niệm “cao siêu” như thế nhưng bài tập cho học sinh hoàn toàn có thể ra những câu dễ làm.

Ngược lại, nếu muốn, ngay cả học những vấn đề đơn giản, thầy cô vẫn có thể ra những bài khó, ví dụ tìm quỹ tích của điểm, đường thẳng…trong một hình đơn giản.

Theo ông, việc học nặng hay nhẹ không chỉ bắt nguồn từ ngành giáo dục, mà còn từ xã hội, khi ai ai cũng muốn con mình thi đỗ đại học. Nên đề thi đại học phải đảm bảo phân loại, phải chọn được người đỗ, người trượt.

Vì thế, những người ra đề vẫn phải “gài” những câu “đánh đố”, dù những người viết SGK như TS Trần Luận không đồng tình.

Vị chuyên gia của viện Khoa học Giáo dục Việt Nam còn cho hay, trước kia, Bộ cũng đã thiết kế chương trình học ban kỹ thuật, dành cho những người học “biết sức mình”, sau này trở thành công nhân, không học lên cao nữa. Nhưng rất ít học sinh tham gia ban này và kế hoạch phân ban bị “phá sản’.

Thế nên, nhiều chuyên gia của viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cách triệt để nhất để học sinh không phải học nhồi nhét là Nhà nước cần phải chỉ cho họ thấy, có những con đường không phải vào đại học, mà chỉ cần học trường nghề, ra làm công nhân – kỹ thuật, vẫn có thu nhập đủ sống. Như thế, người ta sẽ không phải “nhồi nhét” những kiến thức cao siêu mà vẫn sớm có thu nhập ổn định...

Ngược lại, nếu lương công nhân vẫn thấp, người ta sẽ tìm cách có tấm bằng đại học và nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối của giáo dục.

Nhiều ý kiến phản biện GS Ngô Bảo Châu

Sau khi GS Ngô Bảo Châu phát biểu về việc: “Cái khó, cái hóc búa” sẽ làm trẻ thích học hơn”, đã có nhiều độc giả phản hồi.

Bạn đọc Minh Hải (Hải Phòng) cho rằng, các nước có nền giáo dục phát triển chú trọng đến kỹ năng phân tích, sự tranh luận, dân chủ, phát huy cá tính hơn là đưa ra các vấn đề “hóc búa”, “nhồi nhét”.

“Chương trình phổ thông thì phổ cập những kiến thức đơn giản nhất mà ai cũng cần biết. Còn những phần học để "đánh đố", “cao siêu”… thì dành cho các các em sau khi vào chuyên ngành bậc đại học. Hoặc ở phổ thông, ai thích học “cao siêu” thì cứ học thêm, không ai cấm. Tôi cũng từng thi học sinh giỏi toán, nhưng tôi thấy, không nên đưa tích phân, số phức vào dậy ở bậc phổ thông” – độc giả Lê Bình (Thái Nguyên) chia sẻ.

Các nước như Thái Lan, Singapore…có chương trình chuyên ở phổ thông đâu. Ở phổ thông các nước chú trọng đào tạo kiến thức, nhân cách, kỹ năng toàn diện và họ chỉ chú trọng chất lượng Đại Học (con người, thiết bị, chương trình), kết quả họ không có nhiều giải Quốc tế như ta, nhưng có nông nghiệp, công nghiệp, nhiều phát minh và báo cáo khoa học hơn ta. Đấy mới chính là cốt lõi của giáo dục, kiến thức và nhân văn!” – bạn đọc Nguyễn Nhân bình luận.

Hồng Hạnh - Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang