Saffron Việt Nam bị xử phạt và còn những quảng cáo Nhụy hoa nghệ tây công dụng điều trị bệnh

author 14:44 19/03/2020

(VietQ.vn) - Nhụy hoa nghệ tây - Saffron chỉ là một loại thực phẩm thường nhưng đã bị thương nhân "thổi phồng" công dụng, lừa người tiêu dùng rằng sản phẩm có công dụng trị bệnh.

Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam bị cơ quan chức năng xử phạt

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam có địa chỉ số 66-68 Trần Xuân Soạn, Phường Ngô Thị Nhậm, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Công ty này đã bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền 50 triệu đồng.

Cụ thể, hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam là quảng cáo thực phẩm Nhụy hoa nghệ tây trên website http://www.saffron.vn có nội dung nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Quảng cáo sản phẩm Saffron Turmeric Honey có công dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư. Hình ảnh lấy từ trang website của Công ty CP Saffron Việt Nam địa chỉ tòa Comatce, 61 Nguỵ Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội

Quảng cáo sản phẩm Saffron Turmeric Honey có công dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư. Hình ảnh lấy từ trang website của Công ty CP Saffron Việt Nam địa chỉ tòa Comatce, 61 Nguỵ Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội

Còn nhan nhản những quảng cáo trá hình, thổi phồng công dụng trị bệnh của Saffron - Nhụy hoa nghệ tây

Theo phản ánh của người tiêu dùng, hiện nay các thương nhân bán sản phẩm Nhụy hoa nghệ tây quảng cáo công dụng, công năng của sản phẩm rất thần thánh, như sản phẩm có khả năng giảm cân, trị mụn, làm đẹp. Đặc biệt, sản phẩm còn được quảng cáo là ngăn chặn sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư; ngăn chặn sự phát triển của bệnh xơ vữa động mạch và tình trạng nghẽn mạch máu...

Trong khi theo tìm hiểu của Phóng viên Chất lượng Việt Nam, các sản phẩm Saffron - Nhụy hoa nghệ tây chỉ là dạng thực phẩm thường, được nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó thường thấy là nhập từ Iran. Sản phẩm ở dạng nguyên liệu, dùng để pha nước uống như nước chè của Việt Nam hoặc ngâm mật ong, nấu với các thực phẩm khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Liên quan đến hình ảnh và một số nội dung quảng cáo sản phẩm Saffron - Nhụy hoa nghệ tây có công dụng như thuốc trị bệnh, có công dụng điều trị, trị bệnh, hiện chúng tôi đã liên hệ với nhà phân phối sản phẩm và Cục An toàn thực phẩm để làm rõ.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã bổ sung quy định riêng về việc quảng cáo thực phẩm so với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Theo đó, khi quảng cáo thực phẩm, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo, tuy nhiên, cần lưu ý một số thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo. Theo Điều 26 Nghị định thì các thực phẩm đó bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi).

Các chủ thể kinh doanh cần thực hiện thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành trước khi thực hiện quảng cáo. Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo gồm:

  • Đơn đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo theo mẫu;
  • Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
  • Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
  • Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có kịch bản dự kiến quảng cáo và nội dung dự kiến quảng cáo ghi trong đĩa hình, đĩa âm thanh; đối với quảng cáo trên các phương tiện khác thì phải có ma két (mẫu nội dung) dự kiến quảng cáo (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
  • Đối với nội dung quảng cáo ngoài công dụng, tính năng của sản phẩm ghi trong bản công bố sản phẩm thì phải có tài liệu khoa học chứng minh (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

Lưu ý: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ và trả kết quả hoặc yêu cầu sửa đổi bổ sung.

Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo; tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo sản phẩm đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo phù hợp với nội dung đã được xác nhận.

Chất lượng Việt Nam sẽ phản ánh trong các bài tiếp theo!

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang