Một Sài Gòn xưa cũ nơi những góc phố đượm màu thời gian

author 10:53 27/04/2015

(VietQ.vn) - 40 năm sau ngày giải phóng, Sài Gòn hoàn toàn thay da đổi thịt, trở thành một thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, sầm uất nhưng dấu ấn về ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’ thuở nào vẫn vẹn nguyên nơi những góc phố con đường lịch sử.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA kết hợp với Tạp chí Xưa & Nay tái bản sách Sài Gòn - Ba thế kỷ phát triển và xây dựng. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1998 (dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM) do chính quyền thành phố hợp tác với cộng đồng đô thị Lyon (Pháp) và Tổng lãnh sự Pháp thực hiện.

Cuốn sách giới thiệu 63 địa điểm và kiến trúc quan trọng của Sài Gòn. Về tín ngưỡng có các đền đài như chùa Phước Hải của người Minh Hương, chùa Phước Kiến của người Hoa gốc Phước Kiến, đền Mariamman của cộng đồng người Ấn Chetty, nhà thờ Hồi giáo, đền Chadaransay của người Khmer, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Tân Định...

Trụ sở UBND TP.HCM được giới thiệu trong cuốn sách Sài Gòn – Ba thế kỷ xây dựng và phát triển

Trụ sở UBND TP.HCM được giới thiệu trong cuốn sách Sài Gòn – Ba thế kỷ xây dựng và phát triển

Theo đó, đứng đầu danh sách những góc phố Sài Gòn 40 năm sau giải phóng vẫn còn “nguyên bản” là những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố như chợ Bến Thành, Dinh Độc lập, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố…. Trong đó, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891, với lối kiến trúc cổ điển châu Âu và kiến trúc truyền thống châu Á, hầu như không thay đổi sau 40 năm trừ màu sơn đã được sơn mới vào cuối năm 2014, đầu năm 2015.

Một nhân chứng lịch sử khác có thể kể đến là Nhà thờ Đức Bà, được khánh thành năm 1880 và đến năm 1959 được tạc thêm tượng Đức mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý và chuyển về Sài Gòn 1959. Từ đó người dân bắt đầu quen với tên gọi là nhà thờ Đức Bà. Tọa lạc ngay trung tâm Quận 1, nhà thờ Đức Bà vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc, màu sắc và là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nhà hát Thành phố được xây dựng và khánh thành năm 1900. Năm 1955 công trình này trở thành trụ sở Quốc hội (Hạ nghị viện) (ảnh trái). Kể từ sau năm 1975, Nhà hát trở lại chức năng ban đầu là biểu diễn nghệ thuật và được gọi là Nhà hát thành phố như hiện nay.

Nhà thờ Đức Bà là công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà là công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn

Chợ Bến Thành – biểu tượng của thương mại và du lịch Sài Gòn cũng không thay đổi nhiều sau 40 năm. Khác biệt lớn nhất là phương tiện di chuyển và những pano quảng cáo treo trước chợ.

Khách sạn Continental được xây dựng năm 1878 với mục đích để tiếp đón các du khách sang trọng từ Pháp đến Sài Gòn. Năm 1880 khách sạn này trở thành nơi gặp gỡ của giới thượng lưu Pháp ở Đông Dương. Giai đoạn 1960-1970, khách sạn đổi tên thành Đại lục lữ quán. Hiện nay, Continental là một khách sạn sang trọng, toạ lạc tại vị trí đắc địa trên đường Đồng Khởi (Quận 1, TP.HCM), là một góc phố đẹp với kiến trúc tòa nhà cổ kính.

Bên cạnh những công trình kiến trúc nổi tiếng, nhiều tuyến đường, góc phố vẫn còn giữ được những nét cơ bản của Sài Gòn trước 1975. Bùng binh Dân Chủ là nơi giao nhau của 6 con đường Cách mạng tháng 8, Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, 3 tháng 2, Nguyễn Thượng Hiền, là bùng binh có diện tích rộng nhất Sài Gòn với lưu lượng xe cộ lưu thông tấp nập và đủ chiều.

Nhiều nếp sinh hoạt thường ngày của người dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn mang dáng dấp của một Sài Gòn xưa cũv

Nhiều nếp sinh hoạt thường ngày của người dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn mang dáng dấp của một Sài Gòn xưa cũ

Ngoài những địa điểm cố định của Sài Gòn vẫn còn giữ nguyên bản sau 40 năm giải phóng, không ít những hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân trước năm 1975 vẫn còn hiện hữu trên đường phố Sài Gòn cho đến ngày hôm nay. Đó là những quán cà phê vỉa hè xuất hiện trên nhiều con đường khắp thành phố, những gánh hàng rong với các thức quà vặt được người dân ưa thích bao nhiêu năm…

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang