Sai lầm khi hạ sốt cho trẻ: Tử vong như chơi

author 06:14 24/05/2016

(VietQ.vn) - Trong thời tiết nắng nóng này, hạ sốt cho trẻ không đúng cách sẽ gây tăng thân nhiệt cao vọt, nguy hiểm cho trẻ.

Sự kiện: Chăm sóc trẻ

Sốt cao khiến trẻ rét run nhưng lại đắp chăn ấm, hạ nhiệt bằng đá lạnh, lạm dụng vào thuốc, hạ nhiệt thật nhanh... là những sai lầm kinh điển của nhiều bà mẹ Việt trong việc hạ sốt cho trẻ em. Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng này, trẻ bị sốt không được hạ nhiệt đúng cách sẽ gây tăng thân nhiệt cao vọt, nguy hiểm cho trẻ.

Trong buổi PV với báo Dân Trí, BS Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết những ngày nắng nóng trẻ em bị các bệnh lý viêm đường hô hấp vào khoa khám vẫn đông, duy trì ở mức trên 40% trong tổng số trẻ đến khám. Đặc biệt nhiều trường hợp sốt cao vì nắng nóng, mất nước, lại ở trong môi trường bức bối, ngột ngạt... nên sốt càng cao hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), sốt là một phản ứng tốt của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Thế nhưng khi sốt quá cao, không biết cách hạ sốt lại gây nhiều nguy hại cho trẻ. Dưới đây, TS Dũng liệt kê những sai lầm kinh điển và vô cùng phổ biến của các bà mẹ Việt khi chăm con sốt và cách hạ sốt đúng cách.

Đắp chăn, mặc ấm cho trẻ khi sốt cao đến rét run...

TS Dũng giải thích, trẻ em (kể cả người lớn) khi sốt quá cao thì bao giờ người cũng rét run, chân tay lạnh ngắt, thậm chí nhìn thấy vân tím ở chân. Nguyên nhân là khi sốt quá cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh nhưng thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, lên đến 40 - 41 độ C.

Vì thế, dù trẻ kêu lạnh, đòi đắp chăn thì bố mẹ cần nhớ nguyên tắc quan trọng là không được đắp chăn vì càng đắp thân nhiệt càng lên cao, càng lạnh. Không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt thoáng phòng (lưu ý không thốc vào người trẻ cho thông gió) và dùng thuốc hạ nhiệt để hạ nhiệt độ cơ thể, khi nhiệt độ hạ xuống chân tay trẻ sẽ dần ấm lên và trẻ sẽ hết lạnh.

Thúc hạ sốt nhanh

“Thúc hạ sốt nhanh cho trẻ là không nên. Vì khi thân nhiệt xuống quá nhanh, đột ngột lại nguy hiểm cho trẻ, do cơ thể không chịu được sự thay đổi quá nhanh. Vì thế, việc giảm sốt chỉ nên thực hiện từ từ. Thông thường thuốc hạ sốt hiện nay sau 30 phút uống bắt đầu có tác dụng, nhiệt độ giảm dần sau 1-2 giờ”, TS Dũng nói.

Sai lầm khi hạ sốt cho trẻ có thể khiến trẻ bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong

Sai lầm khi hạ sốt cho trẻ có thể khiến trẻ bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong

Chườm lạnh hay tắm ấm?

Một số bà mẹ khi có con bị sốt thường chườm lạnh cho con, tuy nhiên đây là cách truyền nhiệt hiệu quả rất thấp. Một số người khác lại ngâm con vào nước ấm - cách làm này trước đây nhiều người áp dụng tuy hiện nay thì không cần thiết.

Theo đó, nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách..) thì thấy không có tác dụng hạ sốt mà có hai yếu tố bất lợi. Thứ nhất, nó khiến trẻ khó chịu thêm. Thứ hai, với những trẻ bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lại làm tăng việc sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm.

Ngoài ra, một số bà mẹ để hạ sốt cho con đã lấy nước đá cho vào túi nilon, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên người bé gần nách. Điều này là không nên, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp. Trong khi đó thực tế biện pháp này làm co mạch, khiến lỗ chân lông không “mở” để thân nhiệt thoát ra ngoài. Sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt cao.

Cách tốt và hiệu quả nhất là chườm ấm cho trẻ. Dùng khăn nhúng vào nước bằng nhiệt độ cơ thể trẻ (37 – 40 độ C), vắt bớt nước rồi đắp vào vùng bẹn, nách, cổ (những vùng nhiều nếp gấp ra) sẽ giúp lỗ chân lông mở, thoát nhiệt nhanh. Cần thay khăn liên tục, hết ấm lại thay để khăn không bị lạnh, không làm trẻ có cảm giác rét run do nước lạnh ngấm vào người.

Nguyên tắc cơ bản trong việc lựa chọn thuốc hạ sốt cho trẻ

Theo VTC News, bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn cho trẻ. Trong những trường hợp chưa kịp đưa trẻ đến khám bác sĩ, phụ huynh có thể đến nhà thuốc mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống “đỡ” qua lời tư vấn của dược sĩ phụ trách nhà thuốc, hoặc tối thiểu phụ huynh cần đọc thật kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc cho trẻ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Loại thuốc hạ sốt sử dụng cần phù hợp theo nhóm tuổi của trẻ và “khả năng uống thuốc của trẻ”, đây là cách giúp trẻ có thể nhận đủ lượng thuốc hạ sốt cần thiết trong quá trình hạ sốt cho trẻ.

Đối với các bậc phụ huynh có con lần đầu, việc cho trẻ uống thuốc đôi khi gặp nhiều khó khăn nhất là những trẻ có tâm lý “sợ uống thuốc”, hiểu được điều đó các hãng dược phẩm đã bào chế ra những loại thuốc uống dành cho trẻ em có mùi, vị thơm ngọt dễ uống phần nào giúp các bậc cha mẹ cho trẻ uống thuốc dễ dàng hơn. Trên thị trường hiện có 3 dạng thuốc hạ sốt thông dụng được các bậc phụ huynh chọn sử dụng: dạng gói bột, dạng si rô, dạng viên đạn (tọa dược nhét hậu môn).

Cảnh giác những hệ lụy nguy hiểm từ việc sử dụng mỹ phẩm giả(VietQ.vn) - Ngày 21/5, cơ quan chức năng TP Huế đã tịch thu, tiêu huỷ nhiều mặt hàng mỹ phẩm giả, hết hạn sử dụng của 2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn.

Thu Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang