Sai phạm đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ: Học viện KHXH nói gì?

author 10:48 01/09/2017

(VietQ.vn) - Trước hàng loạt sai phạm đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ như: tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, 1 người hướng dẫn nhiều học viên... Lãnh đạo Học viện KHXH nói gì?

Vì sao hướng dẫn học viên không cùng ngành/chuyên ngành?

Trả lời báo CAND về nhiều điểm sai phạm như: phân công người hướng dẫn học viên không cùng ngành/chuyên ngành (có người chuyên ngành kinh tế nhưng lại hướng dẫn chuyên ngành quản lý giáo dục), một người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên; tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành; Hội đồng đánh giá luận văn không đúng chuyên ngành...

PGS.TS Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện KHXH cho biết, từ trước đến nay, người hướng dẫn khoa học và thành viên trong Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở các chuyên ngành đào tạo tại Học viện đều là các nhà khoa học cùng chuyên ngành.

Căn cứ vào Điều 27 và Điều 28 của Thông tư số 15/2015/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, quy định về Hướng dẫn luận văn và điều kiện bảo vệ luận văn, Hội đồng đánh giá luận văn đều yêu cầu người hướng dẫn luận văn phải am hiểu lĩnh vực của đề tài (thậm chí đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng thì người hướng dẫn 2 có thể có học vị thạc sĩ nhưng có 15 năm kinh nghiệm làm công tác thực tế thuộc lĩnh vực của đề tài) và trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học không cùng ngành đào tạo nhưng rất am hiểu và đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu.

Do đó, trong một số trường hợp, Học viện đã mời những nhà khoa học đó tham gia Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ. Ví dụ như: PGS.TS. Lê Phước Minh có học vị tiến sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế; hiện nay giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục được mời tham gia đánh giá luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục. Bên cạnh đó một số chuyên ngành như Nhân học được hình thành từ chuyên ngành Dân tộc học. Do đó các nhà khoa học ở chuyên ngành Dân tộc học hoàn toàn có thể tham đánh giá luận văn, luận án của ngành Nhân học.

Trong quá trình đào tạo tại Học viện, đã có một số Hội đồng đánh giá luận án còn có thành viên của Hội đồng, mặc dù có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu nhưng không cùng chuyên ngành. Nhận thức được điều này, từ tháng 9-2016 đến nay, Ban Giám đốc của Học viện KHXH đã kịp thời chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD&ĐT để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện.

Liên quan đến việc trong khi đội ngũ giảng viên cơ hữu còn thiếu hoặc có chênh lệch theo hướng giảm so với lượng học viên mà việc tuyển sinh của học viên luôn vượt quá chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở một số khối ngành. 

GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện KHXH đã trả lời trên báo VOV.VN rằng, Học viện KHXH được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Học viện KHXH được giao quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của 17 cơ sở đào tạo trước đây thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) (đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học). Trong đó bao gồm: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

Do đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Khoa học xã hội bao gồm toàn bộ giảng viên thuộc các Viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Trong Kết luận số 43/KL-TTr ngày 28/07/2017 của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hàng năm, trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Khoa học xã hội, Học viện Khoa học xã hội đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ GD-ĐT theo các quy định hiện hành và đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Năm 2017, Học viện Khoa học xã hội đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo tiêu chí trên.

Nhiều sai phạm trong "lò ấp" tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội. Ảnh Dân Trí

Chất lượng tiến sĩ, thạc sĩ ra sao?

Phản hồi việc chất lượng của các luận án tiến sĩ, thạc sĩ khi mà việc đào tạo Thạc sĩ không có danh sách tên cán bộ chấm thi; Hội đồng đánh giá luận văn không đúng chuyên ngành; Luận án thiếu xác nhận của người hướng dẫn, thiếu ý kiến nhận xét của người phản biện...GS.TS Phạm Văn Đức cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, trong các kỳ tuyển sinh, Giám đốc Học viện đều ban hành các Quyết định thành lập các Hội đồng, các Ban, Tiểu ban chuyên môn (kèm theo Danh sách các thành viên). Do những sơ suất về công tác lưu trữ, Phòng Quản lý đào tạo đã không lưu trữ đầy đủ theo quy định.

Trong quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, các thầy, cô thành viên Hội đồng đều phải nộp và trình bày bản nhận xét của mình trước Hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Song trên thực tế, một số thầy, cô không ký hoặc không ghi thời gian vào các bản nhận xét. Tuy nhiên, việc đó không ảnh hưởng đến chất lượng của luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Từ trước đến nay, các luận án tiến sĩ được Bộ GD-ĐT tạo thẩm định về nội dung đều đáp ứng các yêu cầu.

Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ được thành lập đúng chuyên ngành. Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học am hiểu trong lĩnh vực nghiên cứu đều được mời tham gia đánh giá luận văn và luận án trong các chuyên ngành tương ứng. Ví dụ như: PGS.TS Lê Phước Minh, chuyên ngành Quản lý kinh tế, hiện đang là Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục được mời tham gia đánh giá luận văn Thạc sĩ Quản lý giáo dục; Chuyên gia ngành Dân tộc học được mời đánh giá luận văn Thạc sĩ Nhân học (bởi vì Nhân học được tách ra từ chuyên ngành Dân tộc học); Chuyên gia ngành kinh tế, luật học được mời đánh giá luận văn Thạc sĩ Chính sách công…

Từ tháng 9/2016, Học viện Khoa học xã hội đã rà soát, rút kinh nghiệm và đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ bảo vệ luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ.

Nói về rách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra những sai phạm này, PGS.TS Bùi Nguyên Khánh cho biết, trước khi Thanh tra Bộ GD&ĐT về thực hiện công tác thanh tra tại Học viện, ngay từ đầu năm 2016, Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Nghị quyết số 02/2016/NQ-ĐƯ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về công tác đào tạo tại Học viện KHXH

Thực hiện Nghị quyết trên, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã bổ nhiệm GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giữ chức vụ Giám đốc Học viện GD&ĐT kể từ ngày 1-9-2016.

Tiếp theo đó, trong năm 2016, Học viện đã tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm một số tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trong công tác đào tạo tại Học viện KHXH. Giám đốc Học viện KHXH đã bổ nhiệm một số Trưởng Khoa mới; thay đổi nhân sự tại Phòng Quản lý đào tạo; thuyên chuyển công tác các Trợ lý đào tạo của các Khoa để xảy ra sai phạm nhằm ổn định tổ chức để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của Học viện.

Trong thời gian tới, thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Học viện tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đào tạo tại Học viện GD&ĐT theo Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang