Sai phạm tày đình khiến Chủ tịch tỉnh Bình Phước mất chức

author 13:42 10/04/2013

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư, cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỉ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Sáng 5/4/2013, HĐND tỉnh Bình Phước khóa 8 nhiệm kỳ (2011-2016) đã tổ chức kỳ họp thứ 6 (phiên bất thường) để miễn nhiệm chức Chủ tịch và thành viên UBND tỉnh Bình Phước đối với ông Trương Tấn Thiệu.

Cho bán “đất vàng” không qua đấu thầu

Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Bình Phước đã thành lập tổ “xử lý khắc phục hậu quả”. Nhiệm vụ của tổ này sẽ đi thương thảo, đàm phán với những hộ dân và đơn vị đã ký hợp đồng mua nhà với Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước. Đây là đơn vị được “mua” 6.275m2 bên hông Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) với giá rẻ như cho không vì không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Sau đó, tổ khắc phục hậu quả của tỉnh đã cho xây khu nhà liền kề, mỗi căn nhà thô diện tích khoảng 107m2 được với giá 1,5 tỉ đồng vào năm 2010 và giá hiện tại là 3 tỉ đồng.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, trên khu đất vàng có tổng cộng 29 lô đã bán, trong đó có 10 căn nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh và người dân đã vào ở; 5 căn đang xây dựng dở dang; 3 căn mới xây đến phần đào móng; 11 lô chưa triển khai xây dựng. Đối với các lô trên, tổ khắc phục hậu quả đã đàm phán theo hướng thu hồi gồm 14 căn. 15 lô còn lại vẫn tiếp tục thực hiện dự án nhà liền kề.
Chủ tịch tỉnh Bình Phước ông
Chủ tịch tỉnh Bình Phước ông Trương Tấn Thiệu
 
Trong số 10 căn đã có người ở, có 9 cá nhân đồng ý điều chỉnh lại hợp đồng theo hướng nâng giá cho tương ứng theo giá thu tiền sử dụng đất đã phê duyệt sau khi có quyết định điều chỉnh giá đất.
 
Riêng một trường hợp không đồng ý nâng giá bán vì khi mua, giá phù hợp với giá thị trường. Đối với chủ nhân của 5 căn còn lại đang thi công dở dang cũng đồng ý chủ trương theo hướng nâng giá tương ứng, tuy nhiên họ chỉ thỏa thuận lại với Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước sau khi có quyết định điều chỉnh giá đất của UBND tỉnh Bình Phước.
 
Sau khi thu đất do dân đang quản lý sử dụng thì UBND cấp cho Đài PT-TH xây dựng trụ sở và mở đường Lê Duẩn. Khi Đài PT-TH xây xong, vẫn còn “thừa” ra 6.275m2 tại khu đất vàng, để không. Lấy lý do Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước có tham gia làm đường Quốc lộ 13 nên UBND tỉnh thu lại và giao toàn bộ 6.275m2 cho Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, khi thu hồi đất để thực hiện 2 dự án trụ sở Đài PT-TH và đường Lê Duẩn, tỉnh Bình Phước chỉ hỗ trợ về cây trồng, nhà và kiến trúc trên đất nhưng không bồi thường đất dù người dân sống ổn định từ năm 1985.
 
Ngày 29/10/2012, ông Trương Tấn Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra lại vụ việc bồi thường đất cho người dân đã ở ổn định từ trước ở khu đất này. Đến ngày 8/11/2012, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước có buổi làm việc và người dân đã yêu cầu phải giải quyết bồi thường dứt điểm theo quy định của pháp luật số diện tích đã thu. Vì không có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền 1.210m2 làm đường; diện tích đất không nằm trong quy hoạch 1.410m2 xây Đài PT-TH mà thực tế đã làm khu nhà liên kế bán cho các cá nhân để lấy lời.
 
Về tiền vốn gốc và lãi của vốn gốc phải trả cho cá nhân, tổ chức đồng ý trả lại 14 căn đã mua, các đơn vị sai phạm là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước, đơn vị tư vấn thẩm định giá và các cá nhân liên quan đến sai phạm chịu trách nhiệm chi trả. Tỉnh Bình Phước sẽ bán đấu giá 5 căn thu hồi từ quỹ đầu tư phát triển để nộp vào ngân sách Nhà nước. Sau đó lấy giá trị tiền sử dụng đất bình quân của 5 căn đã bán đấu giá làm cơ sở tính giá trị quyền sử dụng đất chênh lệch để 15 khách hàng dạng tiếp tục thực hiện dự án phải nộp bổ sung.
 
Ai được ưu ái?
 
Ngoài việc thỏa thuận với khách hàng đã mua nhà đất tại khu nhà liền kề cạnh Đài PT-TH tỉnh Bình Phước, tổ “xử lý khắc phục hậu quả” của UBND tỉnh Bình Phước cũng đã thỏa thuận, thu hồi được diện tích trên 31,3/323ha cao su bán thí điểm để lấy kinh phí cho dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường. Đoạn đường dự kiến từ ngã ba Lộc Tấn đến trung tâm huyện Bù Đốp mà trước đó UBND tỉnh Bình Phước đã bán thẳng cho 3 người không qua đấu giá, gồm ông Nguyễn Bá Tòng (8,25ha), ông Nguyễn Sĩ Thụy (12,6ha) và ông Võ Hữu Phúc (10,4ha).
 
Theo hồ sơ, tổng số tiền phải trả lại cho 3 người trên tổng cộng trên 9,7 tỉ đồng và chưa tính lãi suất tiền gửi ngân hàng để mua thẳng cao su không qua đấu giá của ông Thụy.
 
Trong đó, số tiền phải trả cho ông Tòng trên 3,5 tỉ đồng; gồm 2,5 tỉ đồng tiền mua 8,25ha cao su, hơn 158 triệu đồng tiền chăm sóc khi mua vườn cao su đến hiện tại, 858 triệu đồng là tiền lãi vay ngân hàng để mua vườn cao su. Đối với trường hợp ông Phúc được hoàn trả gần 2,6 tỉ đồng; gồm tiền mua thẳng không qua đấu giá và tiền chăm sóc, tiền lãi không Phúc không tính vì đã vi phạm khi vừa là thành viên hội đồng định giá tài sản được bán đấu giá nhưng vẫn tham gia mua đấu giá.
 
Riêng trường hợp ông Thụy được hoàn trả gần 3,6 tỉ đồng; gồm tiền mua vườn và tiền chăm sóc. Theo tổ “xử lý khắc phục hậu quả”, ông Thụy có sai phạm vì là thành viên trong hội đồng định giá tài sản tham gia mua đấu giá đã ủy quyền cho ông Phúc. Tuy nhiên, người này bị bệnh nặng, gia đình vẫn phải trả lãi suất cho ngân hàng vì vậy tổ “xử lý khắc phục hậu quả” nhận thấy đề nghị được hoàn trả tiền lãi của ông Thụy trên 834 triệu đồng là hợp lý.
 
Trường hợp, ông Lê Văn Sương đã được mua thẳng không qua đấu thầu 292ha cao su tại tiểu khu 57-63 và tiểu khu 68 thuộc 2 xã Phước Thiện và Hưng Phước (huyện Bù Đốp) với giá trên 73,5 tỉ đồng gây bức xúc trong tỉnh. Ông Sương bán lại 25ha cho một số cá nhân và khi làm việc với tổ “xử lý khắc phục hậu quả”, ông Sương đồng ý trả toàn bộ 267ha, yêu cầu hoàn trả cho ông trên 79,8 tỉ đồng tiền mua vườn cao su và tiền chăm sóc. Riêng tiền lãi vay ngân hàng, ông Sương tính theo lãi suất 22,4%/năm, vị chi trên 28,9 tỉ đồng.
 
Qua thỏa thuận, chủ vườn này chỉ đồng ý giảm 5 tỉ đồng. Vì vậy UBND tỉnh đã giao công an tỉnh xác minh nguồn gốc tiền mua cao su của ông Sương. Ngoài ra, tổ “xử lý khắc phục hậu quả” cũng kiến nghị thu hồi các quyết định giảm giá và bán thẳng. Về số tiền phải trả cho các ông Tòng, Thụy và Phúc sẽ dùng tiền ngân sách để trả tiền gốc và chi phí chăm sóc. Tiền lãi phải trả cũng dùng tiền ngân sách nhưng chỉ trả phần lãi tính theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, còn phần chênh lệch do cá nhân, tổ chức nào liên quan đến sai phạm khi bán thẳng vườn cao su không qua đấu giá phải chịu trách nhiệm.
 
Đối với diện tích 292ha cao su còn lại, tổ “xử lý khắc phục hậu quả” cũng kiến nghị giao công an làm rõ việc tổ chức bán đấu giá có hay không việc thông thầu và quy định thực hiện đấu thầu diễn ra như thế nào?
 
Tương tự trường hợp của 3 cá nhân nêu trên, vốn và chi phí chăm sóc vườn cao su của ông Sương cũng do ngân sách chi trả vì đã dùng số tiền người dân mua cao su để thực hiện dự án đường từ Lộc Tấn đến Bù Đốp. Về lãi suất, các cá nhân, tổ chức Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tài chính… sai phạm trong việc bán đấu giá phải chịu trách nhiệm phần chênh lệch giữa lãi suất do người mua đưa ra và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn...
 
Theo Petrotimes
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang