‘Hô biến’ củ ráy thành sâm Ngọc Linh

author 10:54 17/09/2015

(VietQ.vn) - Ai cũng biết theo thời giá trị trường, nếu là sâm trồng, 1kg sâm Ngọc Linh giá 30 - 100 triệu đồng. Chính mức giá khủng khiếp này của sâm Ngọc Linh đã khiến nhiều kẻ tham tiền đã “hô biến” củ ráy thành củ sâm, lừa người tiêu dùng.

Công dụng của sâm Ngọc Linh

Là loài thực vật có phân bố tự nhiên hẹp, trải qua nhiều năm bị con người săn lùng, đến nay sâm Ngọc Linh  (có tên khoa học Panax vienamensis Ha et Grushv., một loài sâm quí, hiếm được ghi nhận trên bản đồ thế giới là có duy nhất ở dải Trường Sơn) đã gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Xét về hàm lượng chất Saponin, yếu tố để đánh giá chất lượng của sâm thì Sâm Ngọc Linh được xếp vào hàng số 1 thế giới, cũng chính vì thế sâm Ngọc Linh được xếp vào nhóm nhân sâm tốt nhất thế giới.

Sâm Ngọc Linh không những tốt mà còn an toàn khi dùng và dùng được cho nhiều lứa tuổi người già, người lớn và trẻ em. Loài sâm này có nhiều công dụng như chống căng thẳng, stress, chống trầm cảm, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe, khả năng chống lão hóa, chống oxy hóa rất mạnh, bảo vệ gan, tim, thận, điều hòa huyết áp, chống xơ vữa...

Vì nhiều công dụng, sâm Ngọc Linh bị làm giả

Giống như các sản vật tự nhiên khác, luôn tuân theo qui luật "quí vì hiếm, hiếm thì đắt", đã có thời điểm sâm Ngọc Linh có giá từ 80 đến 100 triệu đồng/kg tươi. Rất nhiều người đinh ninh sâm Ngọc Linh có thể ví như "thần dược" nên sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua, theo VTC News.

Song thực tế niềm tin của họ hoàn toàn không có cơ sở bởi phần lớn lượng sâm Ngọc Linh ngày nay trên thị trường là hàng giả. Nhưng chính giá ấy đã khiến nhiều con buôn tung các độc chiêu bẫy mồi, biến củ ráy thành sâm Ngọc Linh để hốt bạc.

Củ sâm Ngọc Linh thật còn nguyên thân lá và củ ráy được

Củ sâm Ngọc Linh thật còn nguyên thân lá và củ ráy được "mông má" thành sâm Ngọc Linh. Ảnh: Công An Nhân Dân

"Cây gáy là loại cây độc phân bố khắp núi rừng Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên, ở nơi ẩm thấp. Về nhân dạng, cây này giống cây môn, có lá hình trái tim thuôn dài, thân mềm, cao 0,3-1,5m, rễ phát triển thành củ dài có nhiều đốt ngắn…”, theo Công An Nhân Dân.

Cây gáy có độc, độc đến độ khi cần đào làm thuốc, người ta phải đeo găng tay vì sợ mủ từ loại cây thuốc có độc tính này dính vào người sẽ gây phồng rộp, ngứa ngáy. Vậy nhưng dân buôn dược liệu không ngại biến cây này thành sâm Ngọc Linh.

Bà Tâm Ửng, chủ một cơ sở chuyên bán sâm dây ở thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum khẳng định bà là người ở gần xứ sâm quý, từ Kon Tum muốn đi vào vùng sâm Ngọc Linh phải đi qua nhà bà, nhưng không thể nhận dạng đâu là sâm Ngọc Linh thật, đâu là sâm Ngọc Linh rởm nếu không còn cành lá và hoa. Một số chủ cơ sở bán các sản vật từ núi rừng Kon Tum như mật ong, sơn tra, hà thủ ô… ở Đắk Tô đều có chung tâm tình như bà Tâm Ửng…

Có người còn thẳng thắn nói rằng tuy sâm Ngọc Linh hiếm vô cùng nhưng nếu họ mạnh dạn bước qua cái ranh giới "đạo đức", thì khách muốn bao nhiêu tấn sâm Ngọc Linh họ cũng dư sức đáp ứng: "Tấn chứ không phải tạ đâu nhé em… Nói như vậy để lưu ý cho em biết là sâm Ngọc Linh dỏm nhiều vô kể".

Chẳng có cơ sở gì để khẳng định thứ củ được ngâm trong bình rượu này là sâm Ngọc Linh.

Chẳng có cơ sở gì để khẳng định thứ củ được ngâm trong bình rượu này là sâm Ngọc Linh. Ảnh: Công An Nhân Dân

Chị Mai, 46 tuổi, ở trung tâm huyện Tu-mơ-rông, người rành rẽ ngọn nguồn về sâm Ngọc Linh đã nói vậy. Rồi chị Mai cho biết tuy là củ độc, uống vào gây sưng miệng, ngứa ngáy, gây suy gan, phù thận nhưng qua tài nghệ chế biến của các “chuyên gia”, khách dùng củ sâm độc mà cứ tin sái cổ đó là sâm Ngọc Linh thứ thiệt, vì dùng vào thấy hưng phấn, thấy ăn được ngủ được, tăng cân nhanh chóng nên rất… thần tượng?

Tiểu Quyên (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang