Sân bay quốc tế Long Thành rất cần thiết nhưng…tiền ở đâu?

author 06:32 09/10/2014

Đồng tình với sự cần thiết về việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn với nguồn vốn lớn như vậy thì lấy tiền ở đâu để đầu tư.

Nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn tiền đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Nhấn mạnh vai trò quan trọng và cần thiết phải đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 8/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 165 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư cho dự án được huy động từ nhiều nguồn, tùy thuộc vào hạng mục đầu tư cụ thể, trong đó cơ cấu vốn nhà nước giai đoạn 1 hơn 84 nghìn tỷ.

Cho ý kiến về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa đồng tình với việc cần thiết phải đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bởi dự án này sẽ có vai trò quan trọng không những về mặt kinh tế mà còn góp phần đảm bảo cho quốc phòng an ninh.

Liên quan đến một số ý kiến còn băn khoăn từ hiệu quả kinh tế, công tác GPMB, hay vì sao lại đầu tư dự án này mà không phải là mở rộng sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những vấn đề này đã được Chính phủ đề cập khá rõ trong hồ sơ dự án.

Giải thích lý do không thể mở rộng các sân bay hiện có, từ thực tế đã có thời gian dài sinh sống và làm việc tại khu vực sân bay, ông Sơn cho biết, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là điều không khả thi. Vì sân bay này giống như một lòng chảo, bốn xung quanh toàn nhà dân.

Các sân bay quốc tế, thường được đặt ở vị trí cách xa khu dân cư sinh sống mới đảm bảo an toàn, không có thành phố nào lại để sân bay lọt thỏm giữa vùng dân cư như sân bay Tân Sơn Nhất, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tắc đường liên tục xảy ra. Do đó sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng, đối với sân bay Biên Hòa cũng như vậy.

Tuy nhiên điều mà ông Huỳnh Ngọc Sơn lo lắng khi triển khai dự án này là vấn đề tiền đầu tư, khi dự án này phải cần một nguồn tiền rất lớn. Ông Sơn đề nghị phía Chính phủ cần giải thích vấn đề này cho thuyết phục khi trình ra Quốc hội. Bên cạnh đó cũng cần phải phân tích rõ về chủ trương đền bù GPMB, một việc làm rất khó và không thể thực hiện trong một lúc. Việc triển khai chủ trương này phải thực hiện làm sao để người dân không kéo ra Hà Nội khiếu kiện.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng tình với việc trình dự án ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Đồng thời ông cũng thể hiện mong muốn kết thúc dự án còn sớm hơn đề xuất của Chính phủ, vì dự án càng để lâu sẽ càng phát sinh thêm chi phí.

Cũng đồng tình với việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế tại Long Thành, song Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng đặt câu hỏi: Vốn ở đâu, tiền ở đâu để thực hiện khi giai đoạn đầu của dự án, nhà nước đã phải bỏ ra 84 nghìn tỷ đồng trong 2 năm?

"Những vấn đề khác tôi đồng tình hết. Nhưng việc huy động vốn nhà nước, trong đó có cả trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên Quốc hội đã khóa sổ rồi. Vậy huy động nguồn tiền nào để đầu tư?” – ông Ksor Phước nêu băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đây là công trình quan trọng quốc gia, nếu được triển khai sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH, đồng thời cũng đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên để tăng tính thuyết phục, ông Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị thêm để giải trình báo cáo Quốc hội. Ví dụ như tại sao lại lựa chọn địa điểm ấy mà không phải là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất? Rồi khả năng cạnh tranh thế nào? Bỏ ra nguồn vốn lớn như vậy, hiệu quả của dự án ra sao?

Riêng về nguồn vốn đầu tư với 3 giai đoạn, ông Lưu đề nghị trong mỗi giai đoạn phải phân tích thật rõ những khoản huy động từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư… hiệu quả đến đâu để Quốc hội sẽ quyết định chủ trương.

Tự hào nếu có được một sự án mang tầm cỡ quốc tế nhưng Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng cho rằng, việc huy động nguồn vốn thực hiện dự án là vấn đề rất khó. Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, ông Hiền đề nghị Chính phủ cần phải xây dựng kế hoạch để thuyết phục Quốc hội.

Kết thúc cho ý kiến về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ trình dự án này ra Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 tới đây.

Theo Infonet


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang