“Sân chơi” xuất khẩu: Cơ hội ngang nhau, thành công hay không phụ thuộc từng quốc gia

author 15:09 29/07/2020

(VietQ.vn) - Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, việc xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia khác dễ dàng hơn. Do đó, cơ hội cạnh tranh của mỗi sản phẩm là ngang nhau, còn thành công hay không phải phụ thuộc vào “đường đi” của mỗi quốc gia đó.

Theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như "rồng được tháo xích" và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%), dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.

Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, chúng ta phải thúc đẩy tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ, quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Công nghệ trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay

Nhận định về chuyển đổi số, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, Đại lý Ủy quyền chính thức của Alibaba.com cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay, vai trò của áp dụng công nghệ số trở nên quan trọng và là xu thế tất yếu. Và trong bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài xuất khẩu trực tuyến.

Tuy nhiên, ông Toản cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong năng lực cạnh tranh. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động tích cực, sản phẩm tốt nhưng giá thành của họ cao hơn các nước khác. "Số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng Alibaba chỉ bằng 50% của các doanh nghiệp nước ngoài khác nhưng lượng hỏi hàng đối với doanh nghiệp Việt Nam lại ở top đầu. Do đó, dư địa cho doanh nghiệp Việt còn rất nhiều và cần tăng thêm số lượng sản phẩm trên gian hàng", ông Toản nói.

 Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh... Ảnh minh họa

Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công hay không phụ thuộc vào từng quốc gia

Còn dưới góc nhìn của đại diện Amazon, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia Amazon Global Selling, doanh thu thương mại điện tử thế giới sẽ vượt 3,3 nghìn tỉ USD trong năm 2020. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Thực tế cho thấy có doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu là kênh quan trọng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác chưa thấy hiệu quả. Theo ông Thủy với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, họ có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…

“Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt giữa các quốc gia và doanh nghiệp trong từng quốc gia”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang