Sàn giao dịch khoa học và công nghệ ở Việt Nam: Cần một 'cú hích'

author 06:59 17/09/2018

(VietQ.vn) - Hoạt động kết nối giữa nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp hiện còn nhiều hạn chế. Khoảng cách giữa nghiên cứu và nhu cầu của doanh nghiệp vẫn đang còn một cự li không nhỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, hiện môi trường pháp lý cho thị trường khoa học công nghệ đã hoàn thiện nhưng hoạt động thúc đẩy kết nối giữa nhà khoa học, viện, trường, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hiện còn thiếu các tổ chức giao dịch công nghệ và tài sản trí tuệ.

"Với những mô hình hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ hiện có cần đổi mới, tăng hiệu quả, là đầu mối thu hút lực lượng công nghệ trong nước và quốc tế", Thứ trưởng Tùng nói.

 Hiện nay các sàn giao dịch KH&CN vẫn khá ảm đạm do sự kết nối còn thiếu và yếu.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là lạc hậu. Trong 10 ngành được khảo sát, có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Các công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, những con số trên đã cho thấy phần nào thực trạng trình độ công nghệ và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam và sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.

Cũng theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI công bố mới đây, có tới gần 85% các doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển và chỉ có gần 14% các doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm.

Việc đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).

Thêm vào đó, việc đổi mới sáng tạo chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như cắt giảm chi phí sản phẩm, nhưng ít tập trung cho nghiên cứu để có được những sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị trường.

Giới chuyên gia nhận định, điều này cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp (bên cầu trong thị trường khoa học công nghệ) với các viện trường, các nhà khoa học (bên cung) vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù câu chuyện “gắn kết giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp” đã được đề cập nhiều, tuy nhiên dường như vẫn còn một khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện/trường.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, nhiều sàn giao dịch KH&CN đã được thành lập ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên, hiệu quả không được như kỳ vọng là do các sàn giao dịch chưa tập hợp đủ nhu cầu, cũng như công khai minh bạch các nhu cầu đó.

"Nguyên do là sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với việc phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa cao, cũng như không có chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài. Chỉ khi doanh nghiệp xác định mục tiêu sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, thì họ mới quan tâm đến con người, quan tâm đến khoa học công nghệ", ông Hiệp lý giải.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, cách thức tiếp cận của các sàn giao dịch KH&CN đối với doanh nghiệp cũng chưa phù hợp. Cụ thể, sàn giao dịch KH&CN phải là nơi thể hiện rõ doanh nghiệp cần công nghệ gì, có bao nhiêu lựa chọn công nghệ cho mục đích của doanh nghiệp, thời điểm nào cần áp dụng... Tất cả dẫn đến cung cầu không thể gặp nhau và sàn giao dịch KH&CN có nhưng không phát huy hiệu quả.

Phát triển sàn giao dịch KH&CN bằng cách nào?

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong mối liên kết này, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển thị trường KH&CN. “Ở đây vai trò Nhà nước định hướng đưa ra cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp và chi tiền. Các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm tốt, giàu tính thực tiễn, mang đến sự tăng trưởng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm đưa sản phẩm này vào thị trường nhanh nhất và đưa ra toàn cầu. Trong liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm, quyền lợi của các bên phải được minh bạch”, ông Lộc cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBosses Việt Nam gợi ý, để hình thành được các sàn giao dịch công nghệ, Nhà nước có thể hỗ trợ ban đầu 10-20 tỷ đồng làm vốn “mồi” giống như Singapore đã làm. Khi các ý tưởng này đến bước phê duyệt, triển khai, thương mại hóa và nhân bản, chắc chắn doanh nghiệp sẽ vào cuộc. Ông Hòa cũng cho rằng, khâu nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất kém, chưa có quy trình chuẩn mực để chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng cho việc hình thành các sàn giao dịch công nghệ, ở đó huy động được chuyên gia công nghệ toàn cầu cùng giải bài toán cho doanh nghiệp.

Nhiều sàn giao dịch công nghệ 'cầu cứu'(VietQ.vn) - Có nhiều tiềm năng phát triển, có nhiều lợi thế và rất quan trọng đối với doanh nghiệp, thế nhưng nhiều sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) hiện nay đang rất vướng mắc nhiều vấn đề nội tại để có thể bứt phá, phát triển.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang