"Săn" hàng gia cầm kém chất lượng (bài 1)

author 12:11 24/05/2012

Thịt gia cầm chết bốc mùi được bày bán tràn lan trên thị trường. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người tiêu dùng nên tránh xa khi sử dụng loại thực phẩm này.

Bài 1: Mua thịt gà chết bốc mùi dễ như... rau

Bất chấp Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân để phòng chống dịch cúm A (H5N1) lây lan, tại một số chợ đầu mối, lượng gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn dược bày bán tràn lan.

Công khai bán... "hàng nằm"

Trong vai một chủ quán cơm bình dân tìm mua hàng gia cầm giá rẻ tại chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Long Biên. Tại đây, chúng tôi dễ dàng tìm thấy tận mắt gia cầm chết, gia cầm đông lạnh với giá khá bèo. Nếu lấy hàng lượng lớn, thường xuyên, chủ hàng sẵn sàng chuyển đến tận nơi.

Những con gà này đều đã chết trước khi được làm thịt bày bán ra ngoài thị trường
Những con gà này đều đã chết trước khi được làm thịt và bán ra thị trường. Ảnh: Vũ Hà
 
Ghé vào một gian hàng nằm giữa khu buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ đầu mối phía Nam, tôi được hai vợ chồng chủ hàng giới thiệu cặn kẽ về giá cả từng loại hàng. Biết tôi có nhu cầu tìm hàng gà, ngan chết, anh chồng tên P cho biết luôn: “Anh mở quán cơm thì không cần hàng ngon, lấy "hàng nằm" (gà, vịt, ngan đã chết - PV)  thôi. Loại chết còn đỏ đỏ thì 25.000 đồng/kg, ngan chết thì 30.000–40.000 đồng/kg. Anh muốn lấy bao nhiêu cũng có”. 
 
Chỉ tay vào đống gà bốc mùi trước mặt, anh P thao thao: “Chết ăn cũng không sao đâu, bọn làm lẩu toàn lấy loại hàng này, mất cánh hoặc thâm tím tí, nói chung là chặt lên đĩa nó cũng không vấn đề gì”.
 
Anh cho biết thêm: "Bọn em đi buôn gà sướng nhất là mua được cả đàn gà bị bệnh, giá rẻ bán ra lãi 20.000–30.000 đồng/cân. Con nào khỏe khỏe chút vẫn bán hàng tươi bình thường, ốm thì mổ đem ra chợ bán, còn chết thì thịt luôn ướp lạnh, cung cấp cho các quán cơm.
 
Vợ chủ hàng thêm vào câu chuyện với lời khẳng định: “Ngan chết hay gà chết tụi em vẫn bán bình thường. Vấn đề là nó chết như nào, vẫn còn đỏ hay đã thâm tím thì có giá chênh nhau chút. Nhưng nói chung bác muốn hàng gì cũng có”. 
 
Lang thang qua gần 30 gian hàng thuộc khu buôn bán gia cầm trong chợ đầu mối phía Nam, cùng các gian hàng gia cầm trong chợ Long Biên, theo ghi nhận của chúng tôi có đến hơn một nửa sẵn sàng nhận lời cung cấp mặt hàng ngan, gà chết với số lượng lớn. Bởi theo một chủ hàng tên Q trong chợ Long Biên: “Mở quán cơm mà lấy hàng ngon thì làm sao có lãi. Gà chết giá nó rẻ, nấu chín lên có mà trời biết. Các quán cơm, nhà hàng họ toàn qua chỗ em lấy ấy mà”.
 
“Mình bán chứ có ăn đâu mà sợ”
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt hàng thịt gà, đùi gà, tỏi gà, lòng mề gà đông lạnh nhập lậu từ Trung Quốc cũng được bày bán công khai tại các gian hàng trong chợ. 
 
So với mặt hàng tươi sống, mặt hàng đông lạnh giá mềm hơn khá nhiều. Tùy vào lượng hàng mua mà chủ hàng sẽ đưa ra những mức giá khác nhau. Trung bình giá một kg đùi gà đông lạnh dao động từ 30.000–35.000 đồng và giá một kg lòng mề đông lạnh cũng chỉ khoảng 40.000 đồng. Tuy nhiên, chất lượng của nó thì đến ngay người bán cũng không biết ra sao. 
Các chủ buôn chuẩn bị đưa hàng  đi phân phối  (Ảnh: Đoạn Lãng)
Các chủ buôn chuẩn bị đưa hàng đi phân phối. Ảnh: Đoạn Lãng
 
Chị chủ hàng tên T thản nhiên nói: “Bán thôi chứ mình có ăn đâu mà sợ, hơn nữa lại suốt ngày tiếp xúc với nó, ngửi mùi đã sợ rồi. Hàng đông lạnh hay hàng gà ốm chết chủ yếu bán cho các quán cơm vỉa hè, quán nhậu thôi”.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một gian hàng đối điện quán chị T, trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ có hàng chục khách đến mua gà, xách những túi đựng đùi gà đông lạnh lớn từ trong quán ra. Anh chủ hàng tên K cho biết thêm: “Mình làm uy tín nên bán cũng được. Tính cả hàng đặt trước chuyển đến cho các quán, cùng khách đến lấy, mỗi sáng tụi em cũng bán được vài chục cân, còn nếu tính cả chợ này thì có đến hàng tạ”. 
 
Vào cửa hàng của chị H, chuyên bán mặt hàng gia cầm và thịt gia cầm đông lạnh trong chợ đầu mối phía Nam, chúng tôi còn được chính chủ hàng khuyến cáo: “Đồ đông lạnh này mua về làm hàng thì chú cứ để vài tháng cũng không sao. Hàng chết thì phải làm ngay. Nhưng không nên ăn những loại hàng này”. 

Theo tiết lộ của các chủ hàng, thịt gia cầm chết sau khi "làm lại" được các chủ cửa hàng cơm bụi, nhà hàng nhập về rồi "tái chế" thêm một số công đoạn nữa trước khi đưa ra bày bán công khai cho người tiêu dùng sử dụng. PV Chất lượng Việt Nam đã vào cuộc tìm hiểu về "công nghệ tái chế" này.
 
Kỳ tới: "Phù phép" thịt thối
 
Nhóm PV Nội Chính
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang