Sản phẩm Hạ Khang Đường 'thổi phồng' công dụng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng

author 07:55 07/04/2020

(VietQ.vn) - Trên một số trang web, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Hạ khang đường” đang vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo công dụng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

"Ngựa quen đường cũ"

Tháng 8/2019, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế từng cảnh báo một số trang web như http://giamduong2.meohay.xyz/http://tieuduongadw.songvui.xyz/... quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khang Đường vi phạm quy định về quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.


 Hạ Khang Đường vi phạm quy định về quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Trước đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khang Đường cũng bị Cục An toàn thực phẩm “tuýt còi” về vi phạm quảng cáo. Tuy nhiên hiện nay trên mạng xã hội và một số trang web như: https://www.thanhtuubt.site/ vẫn xuất hiện hàng loạt quảng cáo gây hiểu lầm công dụng, ví sản phẩm này như thuốc “đặc trị” tiểu đường.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Hạ Khang Đường do Công ty TNHH thương mại SBG (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) phân phối. Dù chỉ là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng được quảng cáo có khả năng “điều trị” bệnh tiểu đường với những tên gọi mỹ miều như “đông y gia truyền” hay “bài thuốc gia truyền” của một lương y ở tỉnh Hòa Bình nhằm “thổi phồng” công dụng, cứ sử dụng là khỏi bệnh.

Tại website http://www.hakhangduong.com.vn còn quảng cáo khẳng định sản phẩm Hạ Khang Đường "khắc chế tiểu đường” và là sản phẩm hỗ trợ điều trị số 1 ở Việt Nam. Điều này là thiếu căn cứ và vi phạm luật quảng cáo.

Sản phẩm Hạ Khang Đường cố tình được quảng cáo như thuốc điều trị, bẫy khách hàng. 

Cũng để tăng niềm tin cho khách hàng, “nâng tầm” sản phẩm, Hạ Khang Đường còn được quảng cáo chắc nịch “đánh bay tiểu đường đơn giản tại nhà”.

Đặc biệt, để quảng cáo, tạo niềm tin cho sản phẩm, những trang web này còn sử dụng hình ảnh của Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ Trương Thị Xuân Hòa, Phó Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TW; Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Chủ nhiệm khoa nội - Bệnh viện Y học cổ truyền.

Sản phẩm Hạ Khang Đường dùng hình ảnh bác sĩ đã vi phạm luật quảng cáo.

Bên cạnh đó, hình ảnh các nghệ sĩ, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm bằng hình thức đăng tải bài: “Nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên website khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

Hạ Khang Đường dùng hình ảnh bệnh nhân quảng cáo sản phẩm như "thuốc" điều trị.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ trợ sức khỏe chứ không thể trị bệnh. Việc hiểu lầm là thuốc chữa bệnh sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng khi nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Đặc biệt sẽ khiến cho việc chữa trị của người bệnh bị kéo dài và gây ra những hậu quả khó lường.

Cảnh báo thủ đoạn giả mạo

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, vừa qua, một số trang mạng và trung tâm tư vấn đã mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền khi gọi điện đến khách hàng để tư vấn bán thực phẩm chức năng (TPCN)/thực phẩm bảo vệ sức khỏe; các nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm đó là thuốc hoặc sản phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế thẩm định.

Hầu hết sản phẩm đều được đẩy mạnh qua kênh bán hàng online. Bệnh nhân chỉ cần để lại số điện thoại, một lát sau các “bác sĩ”, “dược sĩ” sẽ gọi điện để tư vấn và kê đơn thuốc… Nhưng khi hỏi địa chỉ để thăm khám thì đều được các “bác sỹ” tư vấn đến một nơi xa lắc, viện đủ lý do để đánh lạc hướng hoặc lợi dụng danh nghĩa của các y, bác sỹ nổi tiếng để tạo niềm tin...

Các sản phẩm chào bán thường được giới thiệu hỗ trợ về: xương khớp; sinh lý nam; tiểu đường; kích thích mọc tóc; trị mất ngủ, giảm cân... Nhân viên tư vấn mang tính hù dọa do nắm bắt được tâm lý người bệnh hay lo lắng; không cung cấp thông tin địa nhà sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát.

Cục ATTP đã xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cảnh báo, cá nhân hoặc tổ chức bán TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng, không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Bệnh tiểu đường không thể khỏi hoàn toàn nhưng có rất nhiều cách chữa trị, giúp người bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 sống khỏe, tránh biến chứng nguy hiểm và kéo dài tuổi thọ.

Bệnh tiểu đường không thể trị dứt điểm là do cơ chế bệnh sinh của bệnh rất phức tạp, kéo dài từ khi xuất hiện tình trạng kháng ln-sulin đến lúc có các rối loạn chuyển hóa và sự suy giảm chức năng tuyến tụy. 

Đến nay, chưa có phương pháp nào phục hồi được tế bào tuyến tụy đã bị ảnh hưởng. Một khi đã mắc tiểu đường, bạn sẽ phải gắn bó với căn bệnh suốt đời. Nhưng nếu được điều trị, có thể duy trì cuộc sống bình thường.

 

 

An Nguyên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang