Nghi vấn mới trong vụ con tử vong, mẹ vỡ tử cung ở Tiền Giang

author 10:58 05/03/2015

(VietQ.vn) - Vụ bé sơ sinh tử vong, sản phụ vỡ tử cung ở Tiền Giang hiện đang gây xôn xao dư luận. Mới đây, một số điều tra viên và luật sư cho rằng có dấu hiệu của hành vi vô ý làm chết người trong vụ sản phụ tử vong này.

Theo những tin tức mới nhất về vụ sản phụ tử vong ở Tiền Giang trên báo Người Lao Động, trưa 4/3, Hội đồng Giám định pháp y (Bộ Công an) đã đến Tiền Giang để mổ tử thi chị Nguyễn Thị Yến Linh (SN 1985; ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của sản phụ này và trẻ sơ sinh khi vừa lọt lòng mẹ. Anh Nguyễn Văn Hải, chồng chị Linh, đã đề nghị Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang trả lại tử cung của chị Linh để xác định nguyên nhân  bị vỡ.

Vụ sản phụ tử vong ở Tiền Giang đang được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi

Vụ sản phụ tử vong ở Tiền Giang đang được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi. Ảnh NLĐ

Trước đó, theo thông tin trên báo Dân Trí, ngày 23/2 sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh (SN: 1986, ngụ tại Cai Lậy, Tiền Giang) đã được gia đình đưa đến bệnh viện Phụ sản Tiền Giang chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Tuy nhiên, bé trai con của chị đã tím tái ngay sau khi chào đời. Sản phụ sau đó phải cắt bỏ tử cung và chuyển lên bệnh viện phụ sản Từ Dũ sau đó chuyển sang bệnh viện Nhân Dân 115 để tiếp tục cứu chữa.

Hơn 1 tuần sau cái chết của đứa con trai mới chào đời, người mẹ cũng không qua được cơn nguy kịch. Được biết, sản phụ tử vong vào lúc 6h40 phút ngày 3/3, tại bệnh viện Nhân Dân 115 do sốc không hồi phục, băng huyết sau sinh, hậu phẫu cắt tử cung toàn bộ, thắt động mạch hạ vy. Đồng thời sản phụ còn bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, suy thận, suy gan nặng.

Trao đổi với báo Dân Trí về vụ sản phụ tử vong này, TS.BS Trần Đình Phú, Phó giám đốc bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết, khi sản phụ Linh được chuyển đến bệnh viện, các bệnh trên đều đã ở giai đoạn cuối. Mặc dù, các bác sĩ đã cố gắng điều trị cho sản phụ với những kỹ thuật cao nhất, thực hiện lọc máu, thay huyết tương, chống rối loạn đông máu, điều trị kháng sinh phổ rộng, thuốc vận mạch liều cao nhưng diễn biến bệnh ngày càng nặng, khiến bệnh nhân không thể vượt qua.

Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, nơi xảy ra vụ việc sản phụ tử vong

Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, nơi xảy ra vụ việc sản phụ tử vong. Ảnh Dân Trí

Sau khi sản phụ tử vong, gia đình đã làm thủ tục đưa thi thể của vợ về Tiền Giang và nhờ cơ quan chức năng giám định pháp y thi thể nạn nhân trước khi làm lễ mai táng. Chiều 3/3, Hội đồng giám định pháp y tỉnh Tiền Giang tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân sản phụ tử vong ở Tiền Giang.

Sau khi xem xét những chứng cứ chứng minh Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã bỏ sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh nằm trên xe cứu thương hơn 30 phút, một điều tra viên Công an tỉnh Tiền Giang nhận định có dấu hiệu cho thấy hành vi vô ý làm chết người.

Trao đổi với PV báo Người Lao Động, điều tra viên này đặt vấn đề: “Hơn 20 giờ ngày 23/2, bác sĩ Minh Trọng (phó giám đốc bệnh viện - PV) đi từ phòng phẫu thuật ra chỉ nói ngắn gọn cho người nhà chị Linh biết là các bác sĩ đang tập trung cứu bệnh nhân, nếu không được thì chuyển đi Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Lúc đó, gia đình chị Linh đặt vấn đề rằng nếu trên đường đi có chuyện gì thì trách nhiệm thuộc về ai?”Nhiều chuyên gia đặt nghi vấn có dấu hiệu hình sự trong vụ sản phụ tử vong ở Tiền Giang

Nhiều chuyên gia đặt nghi vấn có dấu hiệu hình sự trong vụ sản phụ tử vong ở Tiền Giang

“Bác sĩ Trọng không nói gì và bỏ đi. Cũng vào thời điểm này, sản phụ đã được đưa xuống xe cấp cứu. Đặt trường hợp nếu gia đình chị Linh chưa đồng ý chuyển viện thì bác sĩ phải để sản phụ nằm trong phòng hồi sức có đủ thiết bị cấp cứu như máy trợ thở, máy ôxy, trợ tim… và là nơi vô trùng chứ sao lại mang xuống xe cứu thương rồi ngồi bóp bóng bằng tay mà không có máy thở?” - điều tra viên này phân tích.

Đồng quan điểm trên, luật sư Cao Minh Triết, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, lập luận: “Qua thông tin trên các cơ quan truyền thông cho thấy sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh nhập viện trong tình trạng sức khỏe bình thường, sáng hôm sau gia đình xin chuyển viện nhưng bệnh viện không chấp nhận là hoàn toàn sai. Bên cạnh đó, khi trẻ sơ sinh chết được 17 giờ thì phải chuyển sản phụ lên tuyến trên chứ giữ lại cắt tử cung làm gì? Trong khoảng thời gian này, nếu chuyển sớm thì các bệnh viện ở TP HCM đã có thể cứu sống sản phụ. Đây là lỗi hoàn toàn thuộc về phía bệnh viện và có dấu hiệu của hành vi vô ý làm chết người”.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang