Sàn thương mại điện tử Cungmua.com cố tình phạm luật?

author 06:39 14/10/2013

(VietQ.vn) - Lấy lý do không đầu tư cho nhân lực dịch thuật và trên mạng đã có thông tin về sản phẩm nên Cungmua.com đã “tuồn” hàng nhập ngoại ra thị trường mà nhãn mác không đầy đủ, gây bất lợi cho người dùng.

Cố tình né trách nhiệm

Sản phẩm mà sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Cungmua.com bán tới tay người tiêu dùng (NTD) không có hóa đơn, không có nhãn phụ tiếng Việt. Dù là hàng đặt mua mới, giao lần đầu cho khách nhưng vỏ bảo vệ đã sờn cũ, bạc mầu, bên trong màng chắn bảo vệ đã bị rách và sản phẩm không vận hành được.

Vào ngày 7/10/2013, Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh của chị T.P (Long Biên, Hà Nội) liên quan tới việc đặt hàng là một sản phẩm massage thon gọn bụng eo Vibroaction từ mạng Cungmua.com. Đây là một sàn giao dịch TMĐT do Công ty CP Cùng mua có địa chỉ tại TP. HCM quản lý và vận hành. Nhân viên của Cungmua.com đã giao hàng cho người tiêu dùng nhưng sản phẩm lại không vận hành được.

San pham cung mua khong ro nguon goc

Cungmua.com bán hàng không đầy đủ nhãn mác cho người tiêu dùng. Ảnh: N. Nam

Trước thực tế trên, NTD đã phản ánh tới doanh nghiệp và đòi đổi trả hàng, tuy nhiên, Công ty CP Cùng mua văn phòng tại Hà Nội lại cho rằng, họ chỉ hỗ trợ mang hàng đến cho khách mà không hỗ trợ đến thu, đổi trả hàng. Sự việc đã được Chất lượng Việt Nam phản ánh trong bài viết:“Cungmua.com bán máy massage kém chất lượng”.

Với những thắc mắc của NTD, sau nhiều lần liên hệ qua điện thoại với văn phòng Công ty CP Cùng mua tại Hà Nội và TP. HCM, các nhân viên và lãnh đạo doanh nghiệp này trả lời không thỏa đáng, lẩn tránh trách nhiệm trả lời thắc mắc của NTD. Thậm chí, lịch hẹn làm việc với PV để giải đáp các vấn đề NTD nêu đã được đặt trước với lãnh đạo văn phòng Cungmua.com tại Hà Nội vào 14 giờ chiều ngày 9/10/2013 nhưng sau đó, lịch hẹn lại được “khất lại” tới 16 giờ chiều cùng ngày và PV được thông báo sẽ gặp một nhân viên khác, còn lãnh đạo văn phòng bận, công tác đột xuất.

Từ những liên lạc và trả lời không hợp tình, hợp lý của phía Công ty CP Cùng mua tại Hà Nội và TP. HCM, đến sát giờ hẹn làm việc mà vẫn chưa thấy nhân viên của Cungmua.com liên hệ lại, PV đã chủ động liên hệ để nhắc thời gian làm việc và được biết, đại diện của Cungmua.com lại bận, không thể gặp được như đã hẹn.

Mong muốn tìm câu trả lời phù hợp, giải đáp thắc mắc cho bạn đọc, tại thời điểm 8 giờ 30 phút ngày 11/10/2013, PV Chất lượng Việt Nam đã có giấy giới thiệu, trực tiếp tới văn phòng Công ty CP Cùng mua tại Hà Nội địa chỉ tầng 4 Lô 7 - 3A, KCN Hoàng Mai (Hà Nội) để liên hệ làm việc. Cuộc hẹn đã được sắp xếp vào lúc 10 giờ cùng ngày.

Trước giờ hẹn làm việc, PV nhận được thông báo của tòa soạn về việc nhân viên của Cungmua.com đã liên hệ với tòa soạn nói rằng, con dấu trên giấy giới thiệu ghi ngờ giả mạo, không biết người đến liên hệ có phải là phóng viên của báo không.

Trả lời câu hỏi của PV về việc xác minh thông tin rất “khiếm nhã” như nói trên, bà Phan Huệ - đại diện chăm sóc khách hàng văn phòng Công ty CP Cùng mua tại Hà Nội lại chối rằng, không biết và không có chuyện đó.

Tại buổi làm việc bà Phan Huệ cho biết, NTD chưa đọc kỹ thông tin công bố trên mạng của doanh nghiệp là thời hạn đổi trả hàng được tính trong vòng 7 ngày, kể từ thời điểm giao hàng. Tuy nhiên, trước câu hỏi về việc, tại sao doanh nghiệp bán hàng cho NTD mà không trả hóa đơn mua bán, sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc mà không có nhãn phụ tiếng Việt, không có giấy tờ bảo hành, các hướng dẫn sử dụng cũng không thấy có và đặc biệt là hàng không sử dụng được? Bà Phan Huệ cho rằng, 10 năm nay Công ty CP Cùng mua hoạt động ở TP. HCM và 4 năm ở Hà Nội, hàng chuyển đến cho NTD được thống kê chung vào một “lốc hàng”, khách trả tiền, ký vào bảng kê là nhận hàng.

“Ra một đơn hàng bên doanh nghiệp gọi là một “lốc”, trên một “lốc” có 10 hoặc 50 khách hàng đi một khu vực, khách hàng ký chung vào “lốc” đó”, bà Huệ cho biết.

Về vấn đề tại sao sản phẩm bán tới tay NTD mà bao bì bị trầy, nhãn mác không đầy đủ, không có hướng dẫn sử dụng, cảnh báo người dùng…, bà Phan Huệ cho biết: Có thể do chất lượng giao nhận hàng khi nhân viên giao nhận hàng chất rất nhiều hàng nên không thể không có rủi ro!

may matsa bung

Sản phẩm Cungmua.com bán cho người tiêu dùng không có nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: N. Nam

“Tất cả các hướng dẫn sử dụng khi nhập hàng không có chuyên viên biên dịch. Để đầu tư thêm dịch vụ biên dịch thì Cungmua.com sẽ không có lãi và doanh thu. Các thông tin hướng dẫn sử dụng sản phẩm được đưa lên trang website. Vì là thương mại điện tử nên tất cả những gì cũng được đẩy lên điện tử, online”, bà Huệ nói.

Doanh nghiệp không làm như luật định

Với những trả lời của doanh nghiệp như nói trên, PV đã liên hệ với Phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương và được biết, hiện nay các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về TMĐT đang từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, không vì thế mà các hoạt động mua bán hàng qua mạng không có các cơ chế, chế tài quản lý. Cơ quan quản lý thị trường có thể vào cuộc xử lý ngay nếu doanh nghiệp bán hàng qua mạng cho người tiêu dùng khi hàng kém chất lượng, lập lờ nguồn gốc xuất xứ.


Nghị định 52/2013/NĐ-TMĐT ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử và Thông tư số 12/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương nhằm hướng dẫn một số quy định về quản lý các website thương mại điện tử… cũng đã nêu rõ trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên mạng.

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng khi được nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường.

Theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ – CP ngày 30/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về nhãn hàng hóa, điểm 3 điều 9 có nêu rõ: Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Tại điều 11 của Nghị định 89 nêu nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: a) Tên hàng hoá; b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; c) Xuất xứ hàng hoá. Điểm 34 về sản phẩm điện, điện tử thuộc Điều 12 quy định về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hoá có ghi: a) Định lượng; b) Tháng sản xuất; c) Thông số kỹ thuật; d) Thông tin, cảnh báo an toàn; đ) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Ngoài ra, Thông tư số 09/2007/TT – BKHCN ngày 06/04/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 89/2006/NĐ – CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa cũng đã nêu rất rõ các hướng dẫn và quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo.

 

Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang