Sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm phải có “chuẩn”

author 09:46 31/08/2013

(VietQ.vn) - Kết quả khảo sát của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy chỉ có 10/100 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) đảm bảo được trang thiết bị sản xuất MBH đạt chuẩn. Do đó, quy hoạch sản xuất MBH nhằm đưa mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện là cần thiết.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

MBH kém chất lượng được bán trên vỉa hè

Sản xuất mũ dởm do sức ép lợi nhuận?

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy, ngay trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư 06, các nhà sản xuất, kinh doanh MBH cũng đã nắm được định hướng của nhà nước về việc quản lý MBH trong thời gian tới. Do đó, các MBH giả mạo do một số nhà sản xuất, lắp ráp cũng đã giảm. Tuy nhiên, sau khi thông tư 06 có hiệu lực, việc xử phạt hành vi đội MBH giả mạo chưa được hiểu rõ ràng nên cho đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện.

Việc chưa xử phạt hành vi đội MBH giả mạo đã khiến cho người tiêu dùng tiếp tục mua và sử dụng loại mũ 2 lớp để tham gia giao thông. Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất MBH đạt chuẩn rơi vào tình trạng ế ẩm hàng vì không cạnh tranh được về giá.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp sản xuất MBH, ngoài việc sản xuất các MBH đạt quy chuẩn, được cấp phép nhưng do sức ép của thị trường và lợi nhuận doanh nghiệp cũng sản xuất thêm những loại MBH không đạt chất lượng để kiếm lời.

Bên cạnh đó, một số cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã sản xuất MBH đủ 3 bộ phận, làm giả chứng nhận hợp quy đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng cho biết, qua kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất MBH, đa số các doanh nghiệp là cơ sở lắp ráp. Số lượng doanh nghiệp có đầy đủ trang thiết bị sản xuất MBH như máy ép khuôn đúc vỏ mũ, máy ép mút xốp, dây chuyền sơn, lắp ráp còn rất ít, chỉ có khoảng 10/100 doanh nghiệp sản xuất hiện nay.

Tình trạng một số doanh nghiệp nhập lậu MBH từ biên giới các loại mũ có đủ 3 bộ phận và làm giả chứng nhận hợp quy hay các cá nhân, hộ kinh doanh bày bán tràn lan MBH trên vỉa hè vẫn còn khá phổ biến.

Chỉ với giá 30 – 40.000 đồng/ chiếc mũ thời trang hay 70 – 80.000đ/ chiếc mũ có đủ 3 lớp nhưng không được chứng nhận hợp quy, các loại mũ này hiện đang xuất hiện trở lại và ngày càng nhiều trên các tuyến phố ở Hà Nội.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho thấy, tình trạng làm giả giấy chứng nhận hợp quy cũng có những diễn biến phức tạp. Không chỉ các cơ sở lắp ráp nhỏ lẻ mà ngay cả những công ty có thương hiệu cũng sản xuất MBH kém chất lượng và gắn dấu hợp quy giả. Thực trạng này đặt ra một yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý MBH trong thời gian tới.

Theo ý kiến của Ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ANGT Quốc gia, để ngăn chặn tình trạng này không còn cách nào khác là phải cùng chung tay giữa các bộ ngành liên quan. “Nếu không, việc quản lý MBH chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa”, ông Tạo nói.

Đưa MBH vào diện mặt hàng kinh doanh có điều kiện là cần thiết

Phải đủ điều kiện mới được phép sản xuất, kinh doanh MBH

Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo việc đưa diện sản xuất, kinh doanh MBH vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Đây được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý những vướng mắc hiện đang còn tồn tại của MBH hiện nay.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, để triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 20/8 vừa qua Bộ KHCN đã có công văn đề nghị Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét, bổ sung MBH vào Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. “Hiện nay, Bộ KHCN chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Công thương”, ông Linh cho hay.

Theo khảo sát của các đoàn kiểm tra cho thấy chỉ có 10/100 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) đảm bảo được trang thiết bị sản xuất MBH đạt chuẩn. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng quá lộn xộn trong quá trình sản xuất kinh doanh MBH. Nhiều cơ sở chỉ lập tên công ty và đi thuê một một địa chỉ khác làm nơi lắp ráp MBH, điều kiện sản xuất quá sơ sài, hầu như các linh phụ kiện MBH được nhập và vận chuyển từ nơi khác về để lắp ráp thủ công, không có thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm sau khi đã hoàn thiện. Theo cơ quan chức năng, hình thức này chiếm số lớn và đây chính là nơi đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng nhiều nhất.

Theo thông tin từ Vụ Hợp chuẩn hợp quy, bên cạnh việc tiến tới đưa MBH vào diện kinh doanh có điều kiện thì từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông MBH sẽ được quản lý chặt. Và để tăng cường quản lý chất lượng MBH, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức chứng nhận phải tăng cường giám sát sau chứng nhận và phải lấy mẫu MBH trên thị trường để thử nghiệm đánh giá tinh ổn định về chất lượng của MBH. Tránh tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gian dối bằng cách chứng nhận hợp quy xong thì buông lỏng sản xuất, đưa MBH chất lượng kém ra lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, để tăng cường các biện pháp quản lý MBH Tổng cục cũng đang phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội triển khai thí điểm sử dụng tích hợp dấu SMS với dấu CR cho MBH.

“ Việc tích hợp tem chống hàng giả SMS với dấu hợp quy CR sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ sở sản xuất khi gắn dấu hợp quy CR lên sản phẩm của mình. Người tiêu dùng nếu có nghi ngờ có thể biết ngay MBH mình mua có đáp ứng được biện pháp quản lý chất lượng của nhà nước hay không”, lãnh đạo Vụ hợp chuẩn hợp quy, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Cùng với chủ trương của Chính phủ, một loạt các biện pháp quản lý đồng thời sẽ được thực hiện được coi là biện pháp hữu hiệu nhằm lập lại thị trường MBH trong thời gian tới đây. (Còn nữa)

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang