Sản xuất thông minh cho doanh nghiệp: Đâu là cơ hội?

author 07:34 23/04/2020

(VietQ.vn) - Sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu của Việt Nam giữa bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Nó là xu hướng mà doanh nghiệp không thể đứng ngoài, không thể không tham gia.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam khi đánh giá về thực trạng và vai trò của sản xuất thông minh hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam.

TS. Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam còn đang ở giai đoạn CMCN lần thứ 2, vừa tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 3 đã phải bắt buộc tham gia vào cuộc CMCN 4.0 khi trình độ công nghệ của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, máy móc, thiết bị đã lạc hậu vài chục năm, nguồn nhân lực trong công nghiệp và nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo, tỉ lệ qua đào tạo chỉ trên dưới 30%. Việt Nam đang thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao, vì thế sản xuất thông minh tạo nên một áp lực, một sức ép rất lớn để tất cả các lĩnh vực, các ngành sản xuất, các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam: "Áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh và nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững".

 

Sản xuất thông minh là tất yếu

TS. Nguyễn Quân khẳng định, khi áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả của nền kinh tế: năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh và nền kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Việt Nam sẽ tiết kiệm được nguyên liệu, nhiên liệu và chi phí nhân công cho từng đơn vị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời sẽ giải phóng sức lao động cho người lao động.

TS. Nguyễn Quân cho rằng, cốt lõi của sản xuất thông minh chính là nằm ở chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao gồm hai trụ cột: chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số quản lý nhà nước. Trong đó, phải số hóa các hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp cần phải số hóa từ nhân lực, công nghệ, dây chuyền sản xuất, tiêu chuẩn, mẫu mã, các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất. Tiếp đến, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ số để khai thác cơ sở dữ liệu đã số hóa. Một số công nghệ có thể áp dụng như IoT, AI, Blockchain, Bigdata. Các công nghệ này khai thác cơ sở dữ liệu, tích hợp tất cả các thông tin trong cơ sở dữ liệu để có thể tự động điều hành sản xuất, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để có sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Ông Quân cũng lưu ý đến 5 vấn đề mà doanh nghiệp muốn chuyển đổi số phải quan tâm. Đó là, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất sản xuất (trang thiết bị, máy móc… ); chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; Lựa chọn công nghệ phù hợp với thời đại công nghệ số; Xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động của doanh nghiệp.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh?

Hiện nay ở Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ hơn 90%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc ngại đổi mới thậm chí là ngại phát triển. Theo khảo sát của Bộ Công Thương thì có tới 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Thế nhưng khi cuộc CMCN 4.0 đang khiến cả thế giới thay đổi, thì đây không đơn thuần chỉ là xu thế nữa mà nó là sự bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại.

Với xu hướng tất yếu của việc ứng dụng sản xuất thông minh vào sản xuất, doanh nghiệp cần hiểu được tầm quan trọng của sản xuất thông minh và quyết tâm đầu tư, làm mới mình. Sau đó là tìm tòi, nghiên cứu các mô hình sản xuất thông minh phù hợp với doanh nghiệp của mình, chú trọng tích hợp công nghệ số hóa và nâng cao trình độ cho người lao động.

Theo nhận định của TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm điều đó đồng nghĩa với việc nếu không bắt kịp tiến độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức tác động không nhỏ.

CMCN 4.0 hay cốt lõi của nó là sản xuất thông minh tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Theo đó có 4 nhóm cơ chế sản xuất thông minh tác động đến doanh nghiệp, trong đó có 2 nhóm cơ chế liên quan đến vấn đề sản xuất (cơ chế về sự tích hợp, cơ chế về tự động hóa); có hai nhóm cơ chế liên quan đến vấn đề công nghệ (cơ chế về rút ngắn quá trình sản xuất, cơ chế xây dựng hệ thống sản xuất ảo). 4 nhóm cơ chế này tác động tổng thể và cộng hưởng với nhau giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất.

Ở Việt Nam các doanh nghiệp chưa có sự hỗ trợ từ các bên có liên quan, hay nói cách khác chúng ta chưa có hệ sinh thái hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất thông minh. Trong hệ sinh thái gồm các nhà xây dựng chính sách, nhà tư vấn về công nghệ, các nhà tư vấn về tài chính, doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp sản xuất, các viện trường cũng như là các tổ chức nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, để tiến đến sản xuất thông minh, doanh nghiệp phải áp dụng tốt các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, như: ISO, 5S, Kaizen… Đây là những hệ thống quản lý, công cụ đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình nhà nước, đặc biệt là Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch để thúc đẩy sản xuất thông minh ở doanh nghiệp mình thông qua các nhóm chỉ số, cải thiện các nhóm chỉ số. Doanh nghiệp phải tự có kế hoạch bố trí nguồn lực (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất hạ tầng) để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất thông minh. Bởi thực tế cho thấy, nhà máy sản xuất thông minh thì không thể nào có những chủ doanh nghiệp hoặc người lao động không thông minh. Ngoài ra, trước hết phải bắt đầu từ người chủ doanh nghiệp thông minh, đào tạo đội ngũ lao động thông minh.

Ngoài ra, để tiếp cận với sản xuất thông minh, doanh nghiệp không được đơn độc, phải tham gia hiệp hội, phối hợp các hiệp hội cùng các bộ, ngành với các cơ quan nhà nước liên quan để đề xuất, cũng như tiếp cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chính sách định hình một nền tảng, một môi trường vĩ mô phù hợp với yêu cầu cạnh tranh, với sản xuất thông minh và công nghiệp 4.0.

Việt Nam tham gia đánh giá thực trạng và nhu cầu sản xuất thông minh khu vực châu Á(VietQ.vn) - Hội nghị điều phối của dự án nghiên cứu đánh giá thực trạng và nhu cầu về sản xuất thông minh của các nền kinh tế thành viên đã được Tổ chức Năng suất châu Á và Trung tâm Năng suất Đài Loan đã tổ chức từ ngày 12-14/11/2019 tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc).

 Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang