Sao cán bộ chỉ biết kêu lương thấp, không cải cách thì lấy tiền đâu?

author 11:24 02/08/2014

(VietQvn) - Tại sao cán bộ công chức chỉ biết kêu lương thấp, sao không tự đặt câu hỏi ngược lại: Không cải cách hành chính, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc nhằm thúc đẩy tăng trưởng xã hội thì lấy tiền đâu mà tăng lương?

TS. Trần Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề như vậy trong cuộc trao đổi xung quanh vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

Thưa ông, thực tế cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam đang gặp những cản trở nào?

Kể từ khi thực hiện Đề án 30 thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, hàng loạt thủ tục không còn phù hợp đã bị bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng ông Cung cũng cho rằng, tiến trình cải cách không theo kịp với đòi hỏi một phần là do rất nhiều thủ tục tưởng như “vô hại” lại đang cản trở hoạt động của xã hội

Có những thủ tục tưởng như rất đơn giản như yêu cầu hồ sơ, tài liệu, văn bản phải đóng dấu chẳng hạn. Thời gian đóng dấu mất rất ít, nhưng lại cản trở rất lớn tiến trình cải cải cách thủ tục hành chính do không thể áp dụng công nghệ thông tin vì hồ sơ, giấy tờ, tài liệu được tích hợp trên mạng Internet không thể có “dấu đỏ”. Hay như việc doanh nghiệp người dân có quá nhiều mã số như mã số đăng ký kinh doanh, mã số thuế, số bảo hiểm xã hội, số bảo hiểm y tế, mã số thuế thu nhập cá nhân, chứng minh thư, hộ chiếu, số khai sinh, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế… khiến việc áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính bị hạn chế.

Có ý kiến cho rằng, bản thân cán bộ công chức viên chức, những người trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính cũng không muốn cải cách vì sợ sẽ ảnh hưởng tới lợi ích về công việc, thu nhập của mình. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Đây cũng là một trong lý do cản trở công cuộc cải cách thủ tục hành chính. Lâu nay vẫn có nghịch lý, cán bộ công chức luôn kêu lương thấp, thu nhập không đủ sống nhưng lấy tiền đâu để tăng lương? Vậy thì tại sao các anh lại không đặt câu hỏi ngược lại: Nếu không cải cách hành chính, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc nhăm thúc đẩy tăng trưởng xã hội thì lấy tiền đâu mà tăng lương? Vấn đề mình phải thực hiện cải cách thì kinh tế mới tăng trưởng lên, khi đó thu nhập cả xã hội cũng tăng  trong đó bao gồm cả thu nhập cán bộ công chức.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 99/189 nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên nếu đưa thêm yếu tố thu nhập có lẽ Việt Nam sẽ đứng vào hàng đội sổ, có đúng không thưa ông?

Khi xếp hạng phân loại môi trường kinh doanh, các nước đứng ở hàng top  cao nhất với môi trường kinh doanh tốt nhất đều có mức thu nhập trung bình khoảng 35.000 USDnăm. Theo thứ hạng, lẽ ra Việt Nam phải có mức thu nhập trung bình trên đầu người khoảng 7.500 USD/năm nhưng hiện nay chúng ta  mới đạt khoảng 4000 USD/năm nếu tính theo sức mua tương đương. Như vậy rõ ràng chúng ta đang  có khoảng cách về thu nhập so với các nước cùng mức xếp hạng trung bình. Vấn đề đặt ra rất cần phải xem xét lại nguyên nhân là do chi phí của người dân, DN giành cho thủ tục hành chính, chi phí xã hội cao hơn khiến giá trị gia tăng, phần thu nhập thêm không bằng các nước khác.

Như vậy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn tăng thu nhập của cả xã hội?

Đúng vậy, thủ tục hành chính hiện hành đang là rào cản khiến Chỉ số MTKD của Việt Nam. Thực tế cho thấy có nhiều nước đnag từ thứ hạng giống Việt Nam hiện nay nhưng chỉ sau 3-4 năm thực hiện cải cách, họ đã lên top 10 các nước có môi trường kinh doanh tốt nhất. Môi trường kinh doanh tốt sẽ giảm thiểu rủi ro thương mại, rủi ro về pháp lý,  tăng lợi nhuận cho DN, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, theo tính toán chỉ cần cắt giảm thủ tục thông hàng qua biên giới là đã có thể giảm 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 1 năm, hiện nay con số này gần 300 tỷ USD/năm.

Ngân hàng Thế giới cho biết nếu Việt Nam quyết tâm cải cách nâng bậc cạnh tranh của 10 chỉ tiêu về thương mại qua biên giới, nộp thuế, tiếp cận điện năng, tín dụng ngân hang, giải thể phá sản DN,  khởi nghiệp kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư ...thì chúng ta có thể lên vươn lên vị trí xếp hạng  40/189. Đạt được thành tích này, cũng có nghĩa trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Malaysia, có  thể ngang ngửa hoặc hơn Thái Lan.

Đó là  xếp hạng nhưng về khía cạnh chi phí thì DN  đã tiết kiệm được một lượng tiền khổng lồ. Hơn nữa, môi trường kinh doanh tốt sẽ giảm rủi ro tăng độ an toàn về tính pháp lý cho người đầu tư, khuyến khích tinh thần tự do sáng tạo kinh doanh Một không khí kinh doanh mới sẽ quay trở lại, khu vực sản xuất kinh doanh trở nên năng động hơn.

Chỉ trong vòng 2 năm mà chúng ta đặt mục tiêu lớn như vậy liệu có quá tham vọng không thưa ông?

Nếu không tham vọng thì không cải cách được. Tôi khẳng định tham vọng này không phải không có cơ sở, bởi đây chính là sự thúc ép từ bên trong ra bên ngoài, đặc biệt biệt rất hiếm khi chúng ta thấy sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ cùng với sự cam kết mạnh mẽ giữa lãnh đạo các bộ ngành liên quan như thời điểm này.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Vũ (thực hiện)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang