Cập nhật thông tin mới nhất tìm xác nạn nhân TMV Cát Tường

author 07:59 01/11/2013

(VietQ.vn) - Với trường hợp nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường Lê Thị Thanh Huyền bị ném xác phi tang xuống sông Hồng, việc tìm kiếm thi thể chị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa đông, mùa hè, cơ địa...

 

 

Vì sao xác nạn nhân chưa nổi?

Một số tài liệu y học và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khoảng 2 giờ sau khi chết thì cơ thể bắt đầu co cứng. Tuy nhiên, khi bị thả xuống nước thì cơ thể bắt đầu phình ra do hoạt động của vi khuẩn. Tùy thuộc vào nhiệt độ của nước và thời gian trương phình mà xác người sẽ nổi lên nhanh hay chậm. Khi thi thể trương phình, khối lượng không thay đổi nhưng thể tích đã thay đổi làm cho cơ thể người xấu số nhẹ hơn nước mà nổi lên.
Ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội nhận định là nạn nhân chết trên bờ mới bị thả xuống sông có thể nổi lên từ 18 – 25 ngày là có cơ sở.
Chỉ có điều rất đáng lo ngại ở giả thuyết này chính là trong thời gian gần cả tháng trời mới nổi xác thì rất có thể việc giám định pháp y gặp khó khăn. Sông Hồng không thiếu những loại cá lớn ăn xác nạn nhân, hoặc trong quá trình phân hủy thi thể, các bộ phận như phổi có thể lọt nước, khó giám định.
Tìm kiếm xác nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường rất khó khăn

Thợ lặn liên tục tìm kiếm xác nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường Lê Thị Thanh Huyền

Còn nhớ cuối năm 2010, khi chiếc xe khách từ Đăk Nông đi Nam Định trôi xuống dòng sông Lam ở địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh do lũ, kéo theo cái chết của hàng chục người. Chỉ sau 5 ngày xe trôi, các thi thể đã tự nổi lên, trôi về phía cầu Rong, hoặc cầu Bến Thủy (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Thi thể nào cũng trương phình.
Một giả sử rất đau lòng, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra: đó là nếu không tìm được thi thể người xấu số trên sông Hồng thì sao?
Theo quy định hiện nay, một người chỉ được xem là chết khi có giấy chứng tử do bệnh viện cấp hoặc do chính quyền địa phương xác nhận nếu chết tại nhà một cách bình thường, không có điều nghi vấn. Các nạn nhân của thiên tai, nếu không tìm thấy xác thì được coi là mất tích, sau thời gian mất tích 6 tháng thì mới được kết luận là chết.
Những người biến mất khỏi địa phương nơi sinh sống mà không tìm thấy xác, thì được coi là mất tích. Sau khi tòa tuyên bố người đó mất tích theo đơn yêu cầu của thân nhân người đó, phải 2 năm sau người đó mới được tòa tuyên là đã chết, cũng theo yêu cầu của thân nhân người đó.
pháp luật hình sự nước ta quy định lời khai chỉ được xem là chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng cứ khác, hoặc tình tiết khác của vụ án. Nếu không tìm được xác nạn nhân, vẫn có thể xét xử bác sĩ Tường với các tội danh tương xứng hành vi phạm tội.
Nhưng chắc chắn sẽ khó khăn hơn nếu mọi nỗ lực của gia đình và cơ quan điều tra mà vẫn không tìm được xác nạn nhân. Vì vụ bất cứ vụ án nào cũng cần phải có tang chứng, vật chứng. Trường hợp trọng án liên quan đến mạng người thì thi thể người xấu số rất quan trọng.
Một giả thuyết nữa là nạn nhân bị bác sĩ bất lương này can thiệp để xác nạn nhân khó nổi lên trước khi thả xuống sông hoặc đem giấu xác ở nơi khác. Nếu điều này xảy ra, cơ quan điều tra cũng sẽ phải đấu tranh với ông Tường để tìm ra chân tướng sự thật. Bởi vì đó là mấu chốt quan trọng của vụ án để tiến hành xét xử.

Xác nạn nhân có khả năng trôi ra biển?

Trao đổi với phóng viên, đại tá, tiến sĩ Lê Việt Vùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cho biết, thông thường thi thể ném xuống sông sẽ nổi lên trong quá trình phân hủy, thời gian bao nhiêu lâu còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, cơ địa từng người nhưng thường là 4-5 ngày.
Với trường hợp nạn nhân bị bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác, theo ông Vùng, có thể túi bóng buộc thi thể chị Huyền đã vướng vào tàu, thuyền đi trên sông và trôi ra ngoài biển chứ không còn ở loanh quanh khu vực gầm cầu Thanh Trì và tuyến sông đó.
Với giả thiết như một số người đưa ra xác chị Huyền có thể bị ông bác sĩ buộc vật nặng nên bị vùi dưới cát, không thể nổi lên được, ông Vùng cho rằng, trường hợp này cũng có thể xảy ra nhưng trường hợp của chị Huyền ít khả năng xảy ra.
Tìm xác nạn nhân TMV Cát Tường đang rơi vào bế tắc vì suốt nhiều ngày không thấy
Đã gần nửa tháng tìm kiếm nhưng xác chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy
“Có nhiều trường hợp nạn nhân vứt dưới sông không nổi được. Cũng có trường hợp, đối tượng phi tang xác đóng cọc chéo vào nhau rồi ghìm thi thể nạn nhân xuống nhưng sau vẫn nổi lên. Có trường hợp thủ phạm buộc vật nặng hoặc gìm cổ, chân, tay vào cột thì những bộ phận còn lại vẫn có thể nổi lên. Với những trường hợp này cũng khó có thể đưa ra những mốc thời gian cụ thể vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mùa đông, mùa hè, cơ địa của từng người…Nhưng liệu rằng trong trường hợp nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường có xảy ra những giả thiết trên vì nếu vật buộc kèm mà nặng qúa thì hai người kia sẽ không thể bê và ném xuống sông được còn nếu bằng hoặc nhỏ hơn trọng lượng cơ thể thì khi phân hủy vẫn có thể nổi. Theo đó, nhiều khả năng thi thể chị này đã bị vướng vào thuyền trôi ra biển” ông Vùng phân tích.
Cũng theo ông Vùng, những ý kiến cho rằng thi thể ông bác sĩ có thể phi tang xác nạn nhân ở chỗ khác hay bằng cách khác chỉ là suy đoán, suy diễn. Cơ quan điều tra đủ nghiệp vụ để có thể thẩm định lời khai của các đối tượng chính xác hay không. Nếu có cơ sở nghi vấn địa điểm phi tang ở chỗ khác, cơ quan chức năng không để phải mất 10 ngày loay hoay, phí sức.
Mặc dù đến thời điểm này công tác tìm kiếm xác chị Huyền vẫn khó khăn nhưng theo ông Vùng, trong trường hợp tìm đuợc cũng khó có thể dựa vào thi thể để xác định nguyên nhân chết cũng như chết trước hay sau khi bị ném vì lục phủ ngũ tạng thối rữa hết, không có hình ảnh ti thể để phân tích và đưa ra kết luận.
Tuy nhiên, bằng các phương pháp nghiệp vụ khác, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận, xác định tội danh của đối tượng.
“Kết quả pháp y chỉ là một cơ sở để để đưa ra kết luận về nguyên nhân chết cũng như hành vi phạm tội. Đã có nhiều trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân nhưng với nhiều cơ sở căn cứ khác cơ quan điều tra vẫn đưa ra được kết luận”, ông Vùng nói. 

 

4 chiếc túi nilon bí ẩn
Đến ngày 31/10 đã là ngày thứ 13 thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị phi tang (19/10). Theo lời khai của hung thủ Nguyễn Mạnh Tường, hắn đơn thuần là ném xác chị xuống sông Hồng, tuy nhiên, hàng loạt mâu thuẫn đã nảy sinh từ việc không tìm thấy thi thể nạn nhân.
Trong lời khai của bảo vệ Đào Quang Khánh (1996), kẻ đồng phạm trong hành động phi tang xác nạn nhân với bác sỹ Tường, có một chi tiết rất đáng chú ý: 4 chiếc túi nilon lấy ở đường Trần Cung.
Cụ thể, Khánh khai như sau: “Em cùng ông Tường đi về phía viện E để lấy xe máy và ô tô, sau đó đỗ ở trước cửa ngõ 92 Trần Cung để lấy 4 túi bóng rồi quay về 45 Giải Phóng để lấy xác bê lên xe. Tiếp đó tới cuối cầu Vĩnh Tuy, khu vực Thạch Bàn để vứt cái xe máy rồi tiếp tục đi lên cầu Thanh Trì. Em đứng canh người qua lại còn ông Tường tự kéo xác đến chân cầu và ném.”
Ông N.V.Tr, cậu của anh Nguyễn Hữu Huy – chồng nạn nhân cho biết: “Gia đình chúng tôi đang rất nghi ngờ về lời khai của tên Tường. Đặc biệt là 4 chiếc túi nilon. Nếu như hắn dùng để bọc thi thể cháu Huyền thì phải là loại túi rất to, chuyên dụng, như thế thì không phải cửa hàng tạp hóa nào cũng bán. Còn để đựng đồ vật thì dọc đường không thiếu, hoặc trong thẩm mỹ viện chắc chắn có rất nhiều.
Ngay từ ban đầu, khi biết được lời khai của Tường và tên bảo vệ, gia đình đã rất lo lắng về khả năng hung thủ chặt xác. Và những lo lắng của chúng tôi ngày càng được củng cố khi mọi nỗ lực tìm kiếm thi thể của cháu Huyền ngày càng vô vọng. Chỉ sợ hắn mất nhân tính đến mức chia thành nhiều phần nhỏ, cho thêm đá hay vật nặng vào túi. Tôi sợ rằng đá không đủ nặng, cháu chỉ lưng lửng ở giữa dòng, nếu thế thì đến biển mất rồi”.
Ông N.V.Tr chia sẻ thêm: “Tôi đề nghị, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ xem 4 túi nilon đó là loại nào, dùng để làm gì? Và cần phải làm thật rõ lời khai của Tường vì không tìm thấy thi thể cháu Huyền thì khó có xác định rõ ràng tội của hung thủ”.
Anh Nguyễn Văn Thanh (Tổ 2 phường Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là một người nhiều năm làm việc phúc, vớt xác tại Hà Nội nhận định về nghi vấn này: “Nếu như có sự chặt xác phi tang, nhưng nếu ném xuống sông, thì kiểu gì cũng nổi, khúc nổi trước, khúc nổi sau. Chỉ sợ hắn chặt xác rồi giấu vào đâu, xong lại nói ném sông để trốn tội”.
Thợ lặn nói gì?
Anh Mạnh - thợ lặn tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân trong vụ việc BS Nguyễn Mạnh Tường phi tang thi thể bệnh nhân, mệt mỏi cho biết: “Tôi nghĩ hẳn tay bác sỹ đã có thủ thuật nào đó. Đã gần chục ngày rồi mà cái xác vẫn chưa được phát hiện. Đó là một chuyện rất hiếm khi xảy ra”.
Anh Mạnh cho biết thêm: "Tôi đã từng hỗ trợ một cuộc điều tra tương tự. Vụ đó, hung thủ sau khi giết người đã rạch bụng nạn nhân, cho vào bao tải rồi mới ném xuống sông. Với hành động đó, chiếc bao tải chứa xác nạn nhân sẽ không bao giờ nổi được mà chỉ trôi ngầm dưới dòng sông. Thậm chí, khả năng bị vùi dưới bùn cát là rất lớn. Đến lúc đó có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm được cái xác”.
Một người khác cũng trong đoàn tìm kiếm nhận định: Đã từng nghe đến một loại thuốc có khả năng làm tan rã cái xác rất nhanh."Tôi nghĩ đó cũng là một khả năng. Là một bác sỹ thẩm mỹ hẳn sẽ biết rất nhiều loại thuốc đặc biệt. Việc hắn tiêm vào cái xác một loại thuốc, khi gặp nước cái xác sẽ tan rã dần. Lúc đó thì việc tìm kiếm gần như là không thể”, người này nói.
Bằng kinh nghiệm 20 năm vớt xác sông Hồng của mình, người đàn ông này đặt ra nghi vấn: “Nếu như cái xác được vứt thẳng xuống sông như lời khai của bác sĩ Tường thì hẳn đã tìm thấy rồi. Tôi nghĩ rằng Tường còn đang giấu điều gì đó. Nếu như khi vứt xác xuống sông mà hắn buộc vào người nạn nhân một vật nặng kèm theo đó là rạch bụng thì sẽ rất khó để tìm kiếm”.

 

 

 

 

Phùng Gia (tổng hợp từ motthegioi-Datviet-DSPL)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang