Sắp có vaccine phòng COVID-19 dạng xịt mũi dành cho trẻ em?

author 06:47 14/06/2021

(VietQ.vn) - Tại Nga và nhiều quốc gia trên thế giới, vaccine phòng COVID-19 dạng xịt đang được nghiên cứu phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nhạy cảm, đặc biệt là trẻ em.

Ông Alexander Gintsburg, Viện trưởng Viện Gamaleya (Nga) cho biết, nước này đã thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 dạng xịt mũi phù hợp với trẻ em từ 8-12 tuổi và có kế hoạch ra mắt sản phẩm mới này vào tháng 9/2021.

Trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Alexander Gintsburg cũng cho biết, thuốc xịt cho trẻ em được sử dụng cùng một loại vaccine, chỉ thay kim tiêm bằng vòi xịt. Liều vaccine cho trẻ em dự kiến sẵn sàng được đưa vào sử dụng trước ngày 15/9 tới.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em từ 8-12 tuổi và không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào trong nhóm được thử nghiệm, trong đó không làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, ông Gintsburg không nêu chi tiết về cuộc nghiên cứu, chẳng hạn như số lượng trẻ em tham gia nghiên cứu này.

Trước đó, vào tháng 5/2021, Nga đã cấp phép cho vaccine Sputnik Light do Viện Gamaleya của Nga phát triển. Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy vaccine có hiệu quả ngừa COVID-19 tới 79,4% trong khi chỉ có giá dưới 10 USD/liều. Sputnik Light được xuất khẩu đến những quốc gia nơi dịch bùng phát mạnh, qua đó giúp làm gia tăng số người được tiêm chủng và hỗ trợ các nước này dập dịch.

Ảnh minh họa 

Liên quan tới việc phát triển vaccine COVID-19 dạng xịt, Nga không phải là quốc gia đầu tiên triển khai ý tưởng này. Bởi tại Việt Nam, vào hồi tháng 12/2020, ông Hồ Nhân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốcCông ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanog cho biết công ty này sẽ phát triển vaccine COVID-19 dạng xịt mũi và nhỏ mắt cho những đối tượng đặc biệt như trẻ em hay người mắc bệnh lý nền.

Theo ông Hồ Nhân, mục tiêu của đơn vị là luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Vì vậy Nanogen sẽ nghiên cứu, phát triển thêm loại vaccine COVID-19 dạng xịt mũi và nhỏ mắt. Loại này dự kiến sẽ được sử dụng cho những người có bệnh lý nền và trẻ em dưới 12 tuổi.

Ông Nhân cho biết, do là vaccine mới nên có nhiều tình huống đặt ra với những người đang mắc bệnh lý nền hay trẻ em không được tiêm vaccine thì sẽ thế nào. Nanogen đã nghiên cứu và đưa ra phương án sao cho tất cả người dân Việt Nam đều được tiếp cận, sử dụng vaccine COVID-19 thông qua sản phẩm dưới dạng xịt mũi và nhỏ mắt.

Tại Trung Quốc, hãng công nghệ sinh học CanSino Biologics ở Trung Quốc đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi. Bà Chen Wei, thành viên nhóm phát triển cho biết hãng đã nộp đơn xin Cục quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp sản phẩm vaccine mới.

Là sản phẩm của nhóm của bà Chen phối hợp cùng công ty sinh học CanSino Biologics phát triển, loại vaccine xịt mũi này chỉ sử dụng liều lượng bằng 1/5 so với vaccine adenovirus dạng tiêm, và đặc biệt không cần bảo quản lạnh. Bà Chen cho hay nhờ đặc điểm trên, dạng vaccine này sẽ giúp người dân được tiếp cận với vaccine phòng bệnh dễ dàng hơn, cũng như giúp giảm chi phí tiêm chủng.

Chuyên gia Tao Lina tại Thượng Hải cho hay vaccine COVID-19 dạng tiêm hiện nay là liều 0,5 ml. Nếu vaccine xịt mũi của bà Chen có thể đạt hiệu quả bảo vệ tương tự với liều chỉ 0,1ml, việc này đồng nghĩa với việc nó có hiệu quả miễn dịch cao hơn.

Ông Tao Lina cho rằng vaccine dạng xịt có hiệu quả cao hơn có thể nhờ cách vaccine xâm nhập vào cơ thể. Theo ông, nó được hít trực tiếp qua mũi giống quá trình lây nhiễm tự nhiên của virus SARS-CoV-2 và sau đó nó hình thành khả năng miễn dịch niêm mạc. Ngoài ra, với liều lượng chỉ bằng 1/5 so với vắc-xin COVID-19 dạng tiêm, các nhà sản xuất có thể tạo ra số lượng vaccine xịt mũi nhiều gấp 5 lần với cùng công suất sản xuất vaccine tiêm. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2020, một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đang tiến hành phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi. Các nhà khoa học nhận định, đối với một bệnh hô hấp như Covid-19, vaccine dạng xịt mũi sẽ cho hiệu quả cao hơn so với loại tiêm bắp tay đang được nghiên cứu đại trà hiện nay.

Theo Tiến sĩ Avery August, chuyên gia miễn dịch, Đại học Cornell của Mỹ, nhiều virus xâm nhập cơ thể qua niêm mạc (các mô ướt) chạy dọc mũi, họng, phổi và đường tiêu hóa. Chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch tự nhiên từ các tế bào và phân tử ở bộ phận đó.

Vaccine tiêm bắp thường kém hiệu trong việc khơi gợi phản ứng tại niêm mạc, thay vào đó, chúng huy động tế bào miễn dịch từ các phần khác trong cơ thể đến vị trí nhiễm trùng. Chính vì vậy, các nhà khoa học tin rằng việc phát triển vaccine dạng xông hoặc xịt mũi song song với vaccine tiêm bắp là điều hợp lý.

Từ thực tiễn trên, hiện một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia từ Mỹ, Canada và Hà Lan đang tiến hành phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi. Trong khi đó, Công ty công nghệ sinh học Vaxart cũng bắt đầu điều chế vaccine đường uống, đưa thuốc thẩm thấu vào lớp xốp của ruột - một bề mặt giàu chất nhầy khác. Họ kỳ vọng chúng có hiệu quả cao hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với các sản phẩm tiêm bắp truyền thống, tấn công toàn diện SARS-CoV-2 khi virus mới bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.

Trong kịch bản lý tưởng, cả hai loại vaccine sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch trong máu, kích thích tế bào bạch cầu lympho B sinh kháng thể. Trong khi đó, tế bào lympho T sẽ hỗ trợ, tổ chức phản ứng miễn dịch nhanh, tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh.

Các vaccine dạng hít hoặc xịt mũi hoạt động theo cơ chế bắt chước cách virus lây nhiễm cho một người bằng cách xâm nhập vào đường hô hấp. Vì vậy, những loại vaccine này được kỳ vọng tạo ra phản ứng miễn dịch cục bộ mạnh mẽ ở đường hô hấp trên, nơi chứa virus SARS-CoV-2.

Phó giáo sư Sylvie Alonso, Giám đốc của Chương trình Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm tại Trường Y khoa NUS Yong Loo Lin (Singapore), cho biết: "Phản ứng miễn dịch cục bộ này có khả năng hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn mầm bệnh ngay khi virus được hít vào hoặc tiếp xúc với mũi".

Theo bà Alonso, một trong những lợi thế của vaccine dạng xịt là không cần huy động số lượng lớn nhân viên tiêm vaccine cho người dân vì không phải sử dụng kim tiêm. Ngoài ra, những loại vaccine này cũng có thể rẻ hơn, đồng thời, giúp đẩy nhanh việc tiêm chủng hàng loạt, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang