Sập nhà cổ ở Hà Nội: Vì đâu nên nỗi?

author 07:14 23/09/2015

(VietQ.vn) - Trong mỗi bản thiết kế công trình, biệt thự tại Hà Nội kiến trúc sư người Pháp đều đã ghi rõ tuổi thọ, thời gian nào phải thay thế...Vậy số liệu này hiện nằm ở đâu?

Con số thiệt hại về người từ vụ sập nhà cổ tại Trần Hưng Đạo, tới thời điểm này là 2 người thiệt mạng và 6 người bị thương.

Tối qua, 22/9, Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an TP. Hà Nội đã thông tin kết quả điều tra ban đầu về vụ sập nhà ở khu tập thể số 107 đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến 2 người chết và nhiều người bị thương vào trưa cùng ngày.

Theo đó, khu nhà bị sập được xây dựng từ năm 1905. Tòa nhà này đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990. Qua điều tra ban đầu xác định sơ bộ, tòa nhà xây dựng nhiều năm (110 năm) đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa những ngày qua khiến tòa nhà thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.

Toàn cảnh sập nhà cổ Trần Hưng Đạo tại Hà Nội ngày 22/9

Trước đó, bản báo cáo nhanh của UBND Q Hoàn Kiếm, cho biết ngôi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Tổng cục Đường sắt Việt Nam đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 quản lý có cán bộ làm việc.

Tòa nhà xây từ thời Pháp có 3 khối. Theo đó khu vực bị sập là Hội trường được xây kiểu hình mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2…

Thời điểm trước khi sập có phát hiện rung lắc nên Ban Quản lý dự án đã kịp thời sơ tán toàn bộ cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, giáo 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán, khi xảy ra sập ngôi nhà đã sập theo hướng thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang hai bên lối đi, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nhà bị đổ sập. Nếu nhà sập tư mái sập xuống thì do mưa liên tục, nhiều ngày ẩm ướt. Trong trường hợp nhà sập do đổ tường thì do nhà lâu năm, xuống cấp. Ngoài ra, chưa kể lý do nhà xây bằng vôi, dễ bong tróc, nứt lở, sẽ xuống cấp nhanh hơn.

"Lẽ ra nhà chỉ có tuổi thọ khoảng 50 năm thì ngôi nhà này có thể đã lên tới trăm năm" , PGS Hùng cho hay.

Công tác cứu hộ tại hiện trường sập nhà cổ

Ở góc độ quản lý kiến trúc, KTS Trần Trọng Hanh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc, phân tích:

"Mỗi ngôi nhà kiến trúc sư người Pháp khi thiết kế đều ghi rõ tuổi thọ, tới khoảng thời gian nào phải thay thế. Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp quản Thủ đô, có lẽ hồ sơ thiết kế đều thất lạc nên các cấp quản lý về sau rất khó có thể xác định thời hạn này."

Khi được hỏi làm sao để tìm được những thông tin trên, KTS Trần Trọng Hanh khẳng định chắc chắn Viện Kiến trúc Paris vẫn còn lưu lại những bản thiết kế các công trình do các nhà  kiến trúc sư người Pháp thiết kế tại Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc.

"Đây là nguồn tài liệu rất quý, chúng ta nên tìm lại. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý quy hoạch không những xác định được tuổi thọ, kết cấu của những công trình cổ do người Pháp xây mà còn đưa ra những phương án trùng tu bảo tồn hợp lý nhât.", KTS nhận định.

Trước sự việc sập ngôi nhà cổ chiều qua, nhiều người cho rằng Thành phố Hà Nội nên xem xét lại sự tồn tại của công trình cổ, liệu có nên duy trì hay không khi chúng có thể gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào.

Về quan điểm này, KTS Trần Trọng Hanh nhận định, không nên vội vã áp đặt, mà còn phải rà soát lại từng trường hợp. Tùy vào kết cấu, không phải công trình nào thời Pháp thuộc cũng đang nằm trong diện nguy hiểm: Ví như những công trình như Bưu điện Bờ Hồ, Ngân hàng Nhà nước...cho tới nay vẫn rất vững bền, chúng có thể có tuổi thọ hơn trăm năm.

Từ đây, vị kiến trúc sư đặt vấn đề: Tuổi thọ của tòa nhà sẽ bị ảnh hưởng khi thay đổi kết cấu, cấu kiện. Cụ thể sẽ có hai trường hợp thay đổi kết cấu. Trường hợp thứ nhất thay đổi về kết cấu chịu lực thì nhà sẽ đổ sập ngay lập tức. Trường hợp thứ hai là thay đổi kết cấu bao che. Đối với những ngôi nhà cổ, phương pháp này cũng có thể cho phép song phải bảo đảm tải trọng không được vượt quá mức độ cho phép.

"Mỗi công trình cổ được xếp vào dạng tu bổ bảo tồn phải tuân theo nguyên tắc khi nó còn có giá trị về lịch sử và công năng. Tuy nhiên, nếu bảo tồn thì cũng cần phân làm hai mức: trùng tu và buộc phải xây dựng lại khi đã hư hỏng quá đát...Dù là phương án nào cũng phải trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa.", nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến Trúc nói.

Theo, KTS Trần Trọng Hanh, việc rà soát tuổi thọ, chất lượng công trình tại những trung tâm thành phố, nơi có tập trung dân cư là rất cần thiết, tuy nhiên đây lại là công việc với khối lượng khổng lồ cần tập trung nhân lực các cấp ngành vào cuộc để tránh xảy ra hiện tượng đáng tiếc.

Hoàng Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang