Sáp nhập doanh nghiệp: Hướng đi mới trong khủng hoảng

author 12:27 29/08/2012

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hàng nghìn doanh nghiệp "điêu đứng" bên bờ phá sản... thì việc mua bán sáp nhập thương hiệu trở thành hướng đi mới của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là hậu sáp nhập, khi thương hiệu cũ có thể không còn và việc phát triển DN mới trong tương lai.

<br>
Việc bắt tay giữa các doanh nghiệp là hướng đi mới trong thời khủng hoảng

Dòng chảy tất yếu

Theo thống kê, năm 2010 tổng giá trị các các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là 1,7 tỉ USD, năm 2011, con số này tăng lên 4,7 tỉ USD. Chỉ trong Quý I năm 2012, tổng giá trị giao dịch đã đạt 1,5 tỉ USD, tăng 207% so với cùng kì năm 2010. Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2012, M&A sẽ tăng trưởng từ 20-40%.

Đầu năm 2012, mọi người đã chứng kiến thương vụ Hanel mua lại 100% cổ phần tại khách sạn Daewoo. Trước đó, thương hiệu lớn như Hilton Hà Nội Opera cũng được công ty quản lí quỹ Vina Capital mua lại từ các ông chủ Đức và Áo.

Trong tháng 8/2012, mọi người cũng chứng kiến vụ sáp nhập giữa Công ty CP Á Long có cổ đông là doanh nghiệp Nhật Bản và thương hiệu bánh cao cấp Bảo Ngọc. Sau khi sáp nhập, thương hiệu này vẫn được giữ nguyên và phát triển nhân rộng trong và ngoài nước.

Cũng trong tháng 8, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, sự sáp nhập giữa Ngân hàng thương mại CP Nhà Hà Nội (HBB) và Ngân hàng thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội sẽ có hiệu lực kể từ 28/8. Sau sáp nhập, SHB trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và tổng tài sản.

Trong một cuộc họp mới đây về vấn đề các DN tìm hướng đi trong thời khủng hoảng, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, M&A là một dòng chảy tất yếu của một nền kinh tế phát triển. Để duy trì và phát triển, các DN nên tìm đối tác và tìm hiểu kĩ càng để sáp nhập. Tuy nhiên, TS. Doanh cũng lưu ý, các DN cần xem đó là công cụ chiến lược để tăng trưởng trong tương lai chứ không chỉ đơn thuần là mua hay bán công ty. Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, M&A là hướng tìm tòi của nhiều DN. Nhưng DN cũng cần xác định mình đang muốn tìm kiếm gì: nguồn vốn, công nghệ, kĩ năng quản trị hay đối tác đồng hành để từ đó phát triển.

Cộng hưởng để lớn mạnh

Có rất nhiều lí do đằng sau các thương vụ M&A, nhưng trọng tâm vẫn là bằng cách nào để làm cho doanh nghiệp mình phát triển.

M&A giúp các doanh nghiệp cùng tạo giá trị cộng hưởng để cùng lớn mạnh

Là một DN có kinh nghiệm trong việc M&A, ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc công ty Giấy Sài Gòn, cho biết công ty ông đã trải qua hai lần phát hành cổ phần: đỉnh điểm vào năm 2007 và khắc nghiệt vào năm 2011 nhưng khác nhau là lần đầu để huy động vốn còn lần sau là tìm một nhà đầu tư có năng lực hỗ trợ về công nghệ và quản trị mà họ không kì vọng kiếm lời trong ngắn hạn. Nhà đầu tư kì vọng sự phát triển của DN tạo ra độ an toàn cho họ và có khả năng đột phá trong tương lai. M&A là lựa chọn phát triển cho cả hai, vì thế xem đó là giá trị cộng hưởng cho hai bên.

Là một DN vừa hoàn thành M&A với thương hiệu bánh cao cấp Bảo Ngọc, ông Lê Đức Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Á Long, chia sẻ: "Khi quyết định cùng đầu tư, hợp tác, thương hiệu bánh cao cấp Bảo Ngọc đã đặt ra cho chúng tôi một thách thức lớn. Đây là khoảng thời gian mà một DN phải đương đầu với những cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm đầu tư phát triển thương hiệu Bảo Ngọc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển hệ thống kênh phân phối chuyên sâu, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, dinh dưỡng cao và dịch vụ tiện ích. Khai thác chuỗi hệ thống Bakery và mở rộng nhà phân phối, điểm bán lẻ trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Trong thời gian tới, Bảo Ngọc sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo các DN, vấn đề lớn phải đối mặt không chỉ là tìm kiếm đối tác phù hợp để đi đường dài mà còn là phương cách nào quản trị được sự thay đổi trong mục tiêu chung mà cả hai nhắm tới

Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều khi nói về hoạt động M&A, nhưng có thể khẳng định, nhờ nguồn vốn từ M&A mà DN có thể duy trì và vượt qua cơn "bĩ cực". Nếu nhìn ở mặt tích cực thì M&A giúp các DN cùng tạo giá trị cộng hưởng để lớn mạnh.

An Nghĩa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang