Nhà ở xã hội sẽ dễ mua trong thời gian tới?

author 06:09 14/06/2015

(VietQ.vn) - Xung quanh câu chuyện nhà ở xã hội và gói 30.000 tỷ còn quá nhiều khúc mắc. Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà đã có chia sẻ thêm về vấn đề này.

Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đã được ban hành cách đây hơn 3 năm. Tình hình triển khai thực hiện Chiến lược như thế nào, thưa ông?

Ngày 30/11/2011, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 2127/QĐ-TTg  phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Với quan điểm đổi mới và mang tính đột phá, Chiến lược đã khẳng định việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân; đồng thời với việc thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng đặc biệt.

Sau khi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Chiến lược đã tạo sự thống nhất về nhận thức đối với việc chăm lo giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân. Các chỉ tiêu cơ bản đề ra trong Chiến lược về cơ bản đã được thực hiện đúng kế hoạch, cụ thể:

Thứ nhất, đã nghiên cứu, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý phát triển đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS, đặc biệt là các chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với nhiều quan điểm khoa học và tư tưởng đổi mới có tính đột phá.

Thứ hai, một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển nhà ở, như: diện tích bình quân, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn đã đạt được và vượt.

Thứ ba, các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giúp cải thiện chỗ ở cho hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Thứ tư, các Chương trình cũng được tích cực triển khai và đạt kết quả bước đầu: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 20.270 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 150 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 91 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.

Sắp tới, nhà ở xã hội có dễ mua không?

Việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Báo Đầu Tư

Gần đây dư luận cho rằng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ giải ngân chậm mà một trong nguyên nhân là do Bộ Xây dựng hướng dẫn đối tượng thu nhập thấp dưới mức thu nhập cá nhân mới được vay. Xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này.

Ngày 07/1/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu và mới được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 61/NQ-CP  ngày 21/8/2014. 

Theo Nghị quyết này, các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn cụ thể điều kiện, thủ tục đối với các nhóm tượng được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, theo đó cần phân biệt rõ 2 nhóm đối tượng mua NOXH và mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp là khác nhau.

Theo đó,  điều kiện vay vốn để mua nhà ở thương mại giá bán thấp dễ dàng hơn điều kiện vay để mua NOXH do không phải chứng minh thu nhập, không khống chế mức thu nhập, người dân chỉ phải xác nhận tình trạng nhà ở. Sở dĩ như vậy là vì các dự án nhà ở thương mại không được ưu đãi như NOXH và  đây là giải pháp vừa giúp những người lao động có khó khăn về nhà ở cải thiện chỗ ở, vừa kích cầu thị trường BĐS, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển phân khúc sản phẩm nhà ở thương mại trung bình và thấp (giá bán thấp) thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm trung và cao cấp như trước đây. Nói một cách khác, người vay vốn để mua NOXH được hỗ trợ đến 2 lần (thứ nhất là vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, thứ hai là giá bán NOXH thấp hơn nhà ở thương mại do đã được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đât, thuế VAT) nên điều kiện khắt khe hơn người vay vốn để mua nhà ở thương mại chỉ được hỗ trợ một lần (vay vốn mua nhà với lãi suất thấp).

Nhưng trên thực tế kết quả giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫn chậm theo đánh giá của nhiều người, vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?

Đến thời điểm 31/5/2015, tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ 30.000 tỷ). Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt 8.817 tỷ đồng (với 18.062 trường hợp đã được cam kết cho vay); số tiền cam kết với chủ đầu tư dự án là 5.344 tỷ đồng (37 dự án đã được cam kết cho vay). Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng (đạt 25,4% phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua); trong đó có 17.624 hộ gia đình, cá nhân đã được giải ngân vốn vay với số tiền 5.520 tỷ đồng; 33 dự án đã được giải ngân với số tiền là 2.101 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là tốc độ cam kết cho vay đã tăng rất mạnh trong những tháng cuối năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015.

Theo báo cáo của các NHTM tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thì tại thời điểm 31/5/2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4% (14.161 tỷ đồng so với 7.232 tỷ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân) so với thời điểm 31/8/2014; tương tự như vậy so với thời điểm 31/12/2014 tăng 149,5% và 155%, so với thời điểm 28/2/2015 tăng 131% và 128,4%.

Bên cạnh những kết quả cụ thể đã đạt được, tình hình triển khai cho vay gói 30.000 tỷ trong thời gian vừa qua cho thấy trong thực tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, kết quả giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng của các đối tượng vay vốn, do nhiều nguyên nhân như quy định về đối tượng, điều kiện vay, chứng minh thu nhập...

Sắp tới Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng?

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Để phát triển nhà ở xã hội, cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan liên quan.

Để đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và NHNN để xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất để tăng nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng căn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện để vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang