Sát thủ có hương thơm

author 19:40 28/06/2014

“Số bệnh nhân đến khám do viêm da dị ứng ngày càng tăng so với trước đây. Một trong những nguyên nhân chính là do lạm dụng các sản phẩm (SP) có hương thơm” - BS Trần Thế Viện, Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cảnh báo

Cái gì cũng có thể tẩm hương thơm

Chị Ngọc (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đi khám chuyên khoa da liễu trong tình trạng vùng da quanh mũi, miệng đỏ, ngứa, nổi mụn nước... Chị cho biết, sau khi sử dụng loại khăn giấy ướt có mùi thơm thì da có triệu chứng như trên. Theo chẩn đoán của bác sĩ da liễu, chị Ngọc bị viêm da do dị ứng mùi hương.

Không chỉ khăn giấy, khăn giấy ướt, gần đây trên thị trường xuất hiện đa dạng các SP có tẩm hương thơm. Người tiêu dùng có vẻ chuộng những SP này hơn những SP bình thường khác mà không biết có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Lựa chọn giấy để xếp ngôi sao, bé Thảo, 14 tuổi (Q.7, TP.HCM) cho biết: “Con sẽ xếp 1.000 ngôi sao tặng sinh nhật bạn. Chọn giấy có hương thơm mới đặc biệt”. Cô bé còn kể, lứa tuổi teen còn có trào lưu sưu tập những đồ dùng có mùi thơm. “Chiếc đồng hồ đeo tay này và cả sợi dây thắt lưng nữa, đều có mùi thơm dễ chịu”, bé Thảo khoe.

Chúng tôi tìm đến một cửa hàng trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Nhân viên ở đây hồ hởi giới thiệu “cửa hàng đang khuyến mãi, combo đồng hồ và thắt lưng có mùi hương dành cho nữ chỉ có giá 150.000đ”.

Chiếc đồng hồ có mặt hình quả táo, dây đeo bằng kim loại có bọc nhựa, chỉ cần đập nhẹ vào cổ tay, dây đeo sẽ tự động điều chỉnh vừa kích cỡ tay người sử dụng. Riêng thắt lưng được làm bằng nhựa dẻo plastic có hương dâu, táo, sôcôla… với đủ màu xanh, hồng, vàng, nâu trông rất bắt mắt.

Nhân viên tại một cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q.Tân Bình quảng cáo: “SP đang sốt dữ lắm, giới trẻ rất thích vì nó tỏa hương hấp dẫn, xài lâu cũng không mất mùi, không bị gãy hay nứt như các loại thắt lưng thông thường khác…”. Giá mỗi chiếc thắt lưng từ 55.000 - 95.000đ.

Không chỉ thế, nhiều SP dành cho học sinh: vở, bút, mực, tẩy, hồ dán, sáp màu, đất sét, bìa bao vở, giấy xếp hạc… cũng được tẩm ướp đủ loại hương. Tôi thử mở một hộp mực, cảm nhận mùi thơm nồng khác lạ xộc lên mũi; ngay cả sáp màu hay đất sét cũng đều có mùi đậm. Một số SP đồ chơi được làm bằng nhựa như búp bê, các con thú… cũng được nhà sản xuất tẩm mùi thơm để thu hút trẻ.

Thị trường còn có loại giày búp bê lưới ướp hương trái cây, bán tại nhiều cửa hàng, chợ. SP này đang thu hút nhiều chị em với màu sắc đa dạng như nâu, kem, đỏ, xanh, tím, giá dao động từ 120.000 - 190.000đ/đôi. Nhiều nhân viên bán hàng khẳng định: “Do SP có mùi thơm nên sẽ giúp giảm mùi hôi chân (!?)”.

Hương thơm ngày càng được các nhà sản xuất lạm dụng để thu hút người tiêu dùng. Ngoài các SP kể trên, còn có hàng loạt loại khác như băng vệ sinh, tã lót em bé, tã lót người già… Những SP có hương thơm thường có giá cao hơn SP bình thường từ 2.000 - 5.000đ/SP.

Khi chúng tôi thắc mắc, ở những vùng da nhạy cảm, sử dụng SP có hương thơm liệu có gây dị ứng? Một nhân viên tại quầy tã lót (Maximark đường 3/2, Q.10) tư vấn: “Mặc tã sẽ bí hơi và có mùi khó chịu. Hương thơm này có tác dụng khử mùi hiệu quả (!?)”.

Điểm đáng lưu ý là hầu hết SP tẩm hương thơm như đồng hồ, dây nịt, giấy gấp sao, gấp hạc, sáp màu, tẩy, búp bê… đều có nguồn gốc Trung Quốc.

Sản phẩm nào cũng thơm ngát

Sản phẩm nào cũng thơm ngát

Sản phẩm nào cũng thơm ngát
Sản phẩm nào cũng thơm ngát

Nguy cơ tê liệt thần kinh

Theo BS Trần Thế Viện, có khoảng 5.000 mùi hương khác nhau được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người lầm tưởng, chỉ những SP có mùi hương nồng nặc mới gây dị ứng, nhưng thật ra, với những SP có mùi thơm nhẹ, chỉ cần một lần tiếp xúc qua da cũng có nguy cơ gây dị ứng, nhất là những người có làn da nhạy cảm, hay cơ địa dễ bị dị ứng (chàm, mề đay, viêm mũi dị ứng...).

Theo ước tính, có khoảng 1-2% dân số bị viêm da tiếp xúc do dị ứng với mùi thơm. Triệu chứng lâm sàng có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy vào chất gây dị ứng, loại da, vùng da, cơ địa mỗi người, thời gian sử dụng... Thường bệnh nhân có cảm giác ngứa, châm chích hay rát phỏng, đỏ da, khô da, sưng nề, nổi mụn nước, nổi mụn trứng cá...

Riêng ở trẻ nhỏ, da non, mỏng, nhạy cảm, nên sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp xúc thường xuyên với hóa chất tạo hương. Về lâu về dài, các hóa chất này sẽ thấm qua da, phá hủy các tế bào và có nguy cơ gây ung thư.

Theo ghi nhận thực tế, hầu hết SP có tẩm hương thơm đang bán trên thị trường đều không có bất kỳ thông tin nào về thành phần tạo hương. TS Tôn Thất Quang, Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, phân tích: “Chắc chắn thành phần tạo hương trên những SP dạng như vậy đều là hương công nghiệp, có nguồn gốc là hóa chất công nghiệp.

Hương công nghiệp có nhiều tạp chất nguy hại cho cơ thể người, chẳng hạn nhóm chất Alcon, Aldehyd, Ceton... Mùi hương sẽ tấn công thẳng đến cơ quan thần kinh. Nếu là hương thơm tinh khiết, chất lượng tốt sẽ giúp thư giãn tinh thần, sảng khoái. Ngược lại, nó sẽ gây khó chịu, nhức đầu và mệt mỏi. Về lâu dài có thể khiến tê liệt thần kinh”.

ThS-BS Lê Khắc Bảo - Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Mùi hương càng thơm, càng nồng sẽ kích thích phát triển cơn hen và nếu ngửi thường xuyên còn làm bệnh viêm xoang dị ứng thêm nặng, khó điều trị.

Ở trẻ sơ sinh, dị ứng với mùi hương có thể gây tử vong do co thắt đường thở”.

Càng thơm càng có nhiều hóa chất gây hại

Báo cáo do Tổ chức dịch vụ công liên kết Canada British Columbia thực hiện cho thấy, hiện trên thị trường có đến 4.000 loại hóa chất được dùng để sản xuất hương thơm nhân tạo. Trong đó, đến 95% hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thay vì hương liệu tự nhiên như trước đây.

Theo nghiên cứu, rất nhiều hóa chất trong các sản phẩm có mùi thơm gây độc đối với cơ thể, như toluen, aceton, formaldehit, metylen clorua... Những sản phẩm có mùi càng thơm, hương lưu lâu, càng chứa nhiều hóa chất.

Trong khi đó, Đại học Washington, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu các sản phẩm hóa chất, tẩy rửa, nước hoa xịt phòng và thấy chúng có chứa các chất nguy hiểm như: benzen, toluen, naphthalen…Đây là những chất có thể gây ung thư mà Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng không có ngưỡng tiếp xúc an toàn.

Qua thí nghiệm cho thấy, nhiều chất có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, tổn thương hệ thần kinh. Ngoài việc tác động trên da hoặc đường hô hấp, các hóa chất tạo hương có thể thấm qua da, vào trong cơ thể.

Đối với trẻ sơ sinh, do làn da rất mỏng và nhạy cảm nên các hóa chất dễ dàng thấm qua da hơn. Vì thế, nhiều tổ chức khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng các dạng tã lót, sữa tắm hay nước xả vải có mùi hương cho trẻ.

Dù biết được những tác hại xấu đến sức khỏe như thế, thậm chí Hiệp hội Người tiêu dùng UFC - Que Choisir tại Paris, Pháp còn đệ đơn yêu cầu Bộ Y tế Pháp ra quyết định cấm việc sử dụng các sản phẩm có mùi hương công nghiệp tại những nơi công cộng và kêu gọi các nhà sản xuất cùng giới kinh doanh cần có trách nhiệm hơn với các sản phẩm của mình, nhưng thị trường toàn thế giới vẫn rất chuộng các sản phẩm có mùi thơm.

Một trong những nguyên nhân mà các sản phẩm có hương thơm dễ được tìm thấy vì phần lớn đó là các sản phẩm gia dụng hoặc mỹ phẩm. Những loại này không chịu quy chuẩn kiểm tra gắt gao như dược phẩm, dù thành phần là những hóa chất hữu cơ gây hại. Hơn nữa, đối với các loại nước hoa thì do đặc điểm của ngành là bí mật công thức nên việc kiểm soát cụ thể, chi tiết là điều mà các hãng rất dễ lách.

Thiên Như (Theo PSACBC, TimeHealthland)

Theo PNO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang