Giá vé máy bay từ chạm đáy vọt lên ‘ngất ngưởng’, nhiều người ‘ở không đành, về không xong’

author 09:27 31/03/2020

(VietQ.vn) - Từ chỗ chỉ hơn 500.000 đồng một chiều cho chặng bay Hà Nội – TP.HCM - Hà Nội, giờ đây giá vé của chặng bay này đã tăng gấp 6 – 7 lần thậm chí là hơn 10 lần, trong khi đó nhiều người bị mắc kẹt.

Khi chưa có Công văn hỏa tốc 2915 ngày 29/3 của Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam và yêu cầu của cơ quan này khi hạn chế tối đa các đường bay nội địa từ 0h ngày 30/3 đến hết ngày 15/4 để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các hãng bán vé máy bay rất thấp. Riêng chặng Hà Nội – TP.HCM – Hà Nội, hãng Vietjet Air bán vé chỉ hơn 500.000 đồng/chiều; hãng Vietnam Airlines chỉ hơn 600.000 đồng/chiều. Tuy nhiên từ tối ngày 29/3 đồng loạt các hãng đã tăng vé lên gấp 5, 6 lần. Hiện tại, chặng bay này Vietjet Air đang bán với mức giá hơn 3,5 triệu/chiều; Vietnam Airlines hơn 3,6 triệu/chiều. Thậm chí ngày 2/4 hãng Vietmam Airlines còn bán vé hơn 6 triệu đồng/chiều tăng gấp hơn 10 lần so với trước đó.

Sau cắt giảm chuyến bay, giá vé máy bay từ chạm đáy vọt lên ‘ngất ngưởng’, nhiều người ‘ở không đành, về không xong’

 Giá vé bán trên hệ thống của hãng Vietnam Airlines. Ảnh chụp màn hình.

Điều đáng nói, với chính sách đưa ra, khi hủy chuyến vì dịch bệnh, Vietnam Airlines cho biết sẽ hoàn toàn bộ tiền vé cho hành khách trong vòng 90 ngày. Nếu không muốn hoàn tiền trong 90 ngày, hành khách có thể chọn hình thức nhận ngay voucher có giá trị tương đương tiền vé đã mua.

Voucher này có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ của hãng như mua vé máy bay, mua hành lý ký gửi và có thời hạn sử dụng 1 năm từ ngày nhận voucher. Vietnam Airlines cũng áp dụng miễn lệ phí đổi hành trình hoặc ngày bay cho hành khách trên nhiều chặng bay nội địa và quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Còn hãng Jetstar Pacific lại cho phép hủy đặt chỗ và hoàn tiền dưới hình thức voucher cho tất cả chuyến bay mới và sẵn có khởi hành từ 15/3 tới 31/5. Voucher có giá trị tương đương số tiền bồi hoàn, giá trị trong vòng 6 tháng từ ngày xuất voucher, sử dụng cho hành trình khởi hành trong vòng 12 tháng kể từ ngày đặt chỗ. Hãng không thực hiện bồi hoàn dưới dạng tiền mặt.

Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet Air quyết định đổi vé miễn phí cho các chuyến bay bị ảnh hưởng do dịch bệnh, vé đổi có cùng chặng bay.

Các hành khách của Bamboo Airways nếu bị hủy chuyến sẽ được hỗ trợ đổi miễn phí một lần sang ngày bay bất kỳ trong giai đoạn từ 21/3 đến 31/5. Tuy nhiên, vé không áp dụng đổi sang ngày khởi hành mới vào giai đoạn lễ, Tết.

Thế nhưng ngay sau Công văn hỏa tốc 2915 ngày 29/3 của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều hãng đã tự thay đổi chính sách với lý do dịch bệnh phải hủy chuyến theo chỉ đạo của nhà chức trách dẫn đến việc nhiều người “dở khóc dở cười”.

Chẳng hạn, anh H. (Đống Đa - Hà Nội) do có lịch công tác nên sáng 28/3 đã đặt vé đi TP.HCM, anh đặt vé chiều về hãng Vietjet Air ngày 1/4/2020. Tuy nhiên ngày 29/3 anh H. nhận được thông tin từ Vietjet Air chuyến bay của anh bị hủy do yêu cầu cắt giảm chuyến từ nhà chức trách.

Anh H. liên hệ với hãng Vietjet Air để đổi chuyến bay cùng ngày (1/4/2020) vì kiểm tra thông tin hãng vẫn bán vé cho chuyến bay ngày đó (nghĩa là chuyến bay vẫn còn chỗ) theo đúng thông tin từ hãng đã thông báo: "Vietjet Air đổi vé miễn phí cho các chuyến bay bị ảnh hưởng do dịch bệnh, vé đổi có cùng chặng bay".

Sau khi gọi tổng đài liên tục báo bận, anh H. đến phòng vé của Vietjet Air tại Q.3 (TP.HCM) để được hỗ trợ đổi chuyến bay về Hà Nội theo đúng kế hoạch thì nhận được câu  trả lời là vé của anh đã đặt không được đổi mà chỉ được hoàn dạng “treo” tiền về tài khoản sau 90 ngày. Nếu anh H. muốn có vé về Hà Nội thì phải mua vé mới đang được bán trên hệ thống của Vietjet Air với giá hơn 3,5 triệu đồng.

“Nếu tôi bỏ ra hơn 3,5 triệu đồng để tiếp tục đặt vé trên hệ thống của Vietjet Air, không may vì lý do nào đó hãng lại tiếp tục hủy chuyến, tôi vẫn không thể về Hà Nội được. Khi đó khoản tiền hơn 3,5 triệu đồng tiếp tục “treo” lại, nếu sau đó tôi không có nhu cầu đi lại sẽ mất khoản tiền này. Trong khi tôi đi công tác và hiện các khách sạn tại TP.HCM đều thông báo đóng cửa. Vậy tôi sẽ phải ở đâu giữa mùa dịch khi không có người thân thích ở TP.HCM?”, anh H. nói.

Sau cắt giảm chuyến bay, giá vé máy bay từ chạm đáy vọt lên ‘ngất ngưởng’, nhiều người ‘ở không đành, về không xong’

 Thông báo hủy chuyến bay được gửi đến anh H. Tuy nhiên, việc liên hệ tổng đài Vietjet thời điểm hiện tại rất khó. Anh H. dành cả buổi chiều để liên hệ nhưng tổng đài liên tục báo bận và nếu không liên hệ được trước giờ bay 3 tiếng thì tiền vé máy bay cũng sẽ không được hoàn dạng "treo". Ảnh NVCC.

 

Cũng tương tự như anh H., chị Phương Thảo (Cầu Giấy – Hà Nội) đặt vé cho chồng đi công tác tại TP.HCM của hãng Vietnam Airlines. Sau khi có Công văn hỏa tốc 2915 ngày 29/3 của Bộ Giao thông Vận tải, chuyến bay về Hà Nội của chồng chị Thảo bị hủy, gọi điện lên hãng thì chị Thảo nhận được thông tin hãng sẽ hoàn tiền khi chị Thảo gửi thông tin vé, thanh toán về email hỗ trợ của hãng, còn chồng chị Thảo cũng không được hỗ trợ sắp xếp chuyển chuyến bay khác vì lý do nguyên nhân hủy bay do nhà chức trách yêu cầu.

Tương tự như anh H. hay chồng chị Thảo, hiện tại rất nhiều người đã bị mắc kẹt không thể di chuyển về nhà khi các hãng hủy bay, khách sạn đồng loạt đóng cửa. Nhiều người thậm chí còn lo lắng việc sẽ không có chỗ ở khi không có người thân thích ở địa điểm công tác.

Từ 0h ngày 30/3, đường bay Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội, mỗi hãng được khai thác 1 chuyến/ngày. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội, mỗi hãng được khai thác 1 chuyến/ngày.

Tương tự, các đường bay TP.HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc - TP.HCM, mỗi hãng được khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay. Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và đi/đến TP.HCM. Hạn chế tối đa hoạt động hàng không đến 15/4.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang