Sau "Giờ Trái đất", chúng ta sẽ làm gì?

author 10:40 10/03/2013

(VietQ.vn) - Với xu hướng ngày càng được biết đến rộng rãi hơn và lượng điện tiết kiệm được năm sau cao hơn năm trước, Giờ Trái đất 2013 tại Việt Nam (diễn ra từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 thứ 7 ngày 23/3/2013) được kỳ vọng sẽ tiết kiệm được khoảng 700.000 kWh, tương đương khoảng 1 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Nếu nhớ lại rằng năm 2009 - năm đầu tiên Việt Nam tham gia hoạt động này - sản lượng điện tiết kiệm được chỉ là 140.000 kWh, tương đương 126 triệu đồng, người ta thấy cả những điều mừng và những điều lo.

Chỉ tắt đèn thôi là chưa đủ để “bật tương lai”.
Chỉ tắt đèn thôi là chưa đủ để “bật tương lai”

Mừng dễ thấy hơn cả là lượng điện tiết kiệm được nhiều hơn, đồng nghĩa với số tiền tiết kiệm được nhiều hơn. Mừng, còn vì hoạt động này đã “phủ sóng” rộng hơn, thu hút được sự quan tâm rộng rãi hơn từ cộng đồng (năm 2013, riêng tại TP.HCM, số tình nguyện viên đăng ký tham gia sự kiện tăng đột biến và ban tổ chức đã quyết định “chỉ chọn 2.800 người”).

Nhưng từ đó cũng có thể thấy rằng số điện năng sử dụng trong một giờ ở cùng một thời điểm đã gia tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng ở TP.HCM, năm 2009, trong Giờ Trái đất, sản lượng tiết kiệm được là 90.000 kWh. Năm 2012, con số này là 130.000 kWh. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ đà này, đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt năng lượng một cách gay gắt, tới 70%.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2012 đặt ra mục tiêu cụ thể giảm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012 - 2015. Trong khi đó, năm 2012, hai thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội (được biểu dương vì thành tích tiết kiệm điện cao nhất) mới chỉ tiết kiệm được tương ứng 2,8% và 2% điện thương phẩm.

Hoàn toàn có lý khi Giám đốc thương hiệu và khách hàng Công ty Electrolux Việt Nam - nhà tài trợ chính đồng hành với chiến dịch Giờ trái đất 2013 tại Việt Nam - bà Elizabeth Png, đặt câu hỏi: “Sau một tiếng đồng hồ của chương trình Giờ trái đất, chúng ta sẽ tiếp tục làm gì? Thách thức năng lượng có giải quyết được không, khi mọi thứ lại tiếp tục được vận hành như cũ”?

Thử làm một so sánh nhỏ, người ta thấy số tiền điện mà cả nước tiết kiệm được trong Giờ Trái đất 2012 (hơn 700 triệu đồng) chỉ bằng hơn 1,6 lần lượng điện mà Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza tại Hà Nội đã tiết kiệm được trong cùng năm đó (khoảng 440 triệu đồng).

Rõ ràng, chỉ tắt đèn là chưa đủ “bật tương lai”.

Tắt đèn chỉ là một thông điệp gửi đến cả cộng đồng, nhắc nhở mọi người về một việc làm mang tầm quan trọng sống còn, đó là sử dụng năng lượng một cách có trách nhiệm mọi nơi, mọi lúc. Việc làm ấy không chỉ vì các thế hệ tương lai, mà vì chính chúng ta, ở ngay chính thời điểm này.

Bình An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang