Sau hội nhập Việt Nam sẽ có ít tỷ phú, triệu phú

author 11:08 02/11/2014

Việt Nam sẽ ít tỷ phú, triệu phú do trước đó không có những chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, Hàn Quốc dành toàn lực để phát triển đội ngũ doanh nghiệp nhưng Việt Nam hoàn toàn không có, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho biết.

hội nhập, tỷ phú, tỷ phú việt nam, doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà

* Việt Nam gia nhập các Hiệp định song phương, đa phương theo ông doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức như thế nào?

- Nền kinh tế sẽ có những triển vọng tốt hơn và thách thức lớn hơn. Trong đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi ít do năng lực cạnh tranh kém hơn vì vậy doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi và vào cuộc chơi đó vì không thể đứng sang một bên trong tình thế này.

Chính phủ cũng nên chuẩn bị lộ trình, có thời gian và hoạch định. Nếu chuẩn bị càng sớm càng đỡ vất vả hơn vì trong sự hội nhập mà Việt Nam bao giờ cũng ở thế yếu hơn Việt Nam sẽ đối diện với các thách thức có thể tụt hậu, ở cửa dưới so với đối thủ.

Chẳng hạn, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã ngay sau lưng, năm 2015 mọi chính sách bảo hộ không còn, hội nhập toàn diện tạo ra cạnh tranh khốc liệt, những doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó có đến 73% doanh nghiệp chưa biết về AEC do đang để nhiều tâm sức vào sự tồn tại ở hiện tại, đến lúc định tâm thì thị trường đã mở ra, nhiều bạn chơi mới đã xuất hiện.

Ở đây không có sự tàn sát dẫn đến một mất một còn nhưng nó sẽ làm doanh nghiệp của mình không có cơ hội vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh và ngày mai chúng ta đã hội nhập rồi. Nếu bi quan sẽ làm mọi người lo lắng nhưng lạc quan không hẳn.

Việt Nam có thể dễ dàng trong triển khai hàng hóa vào các nước trong khu vực nhưng các nước khác với sự năng động hơn họ cũng sẽ vào Việt Nam trước.

Trong tương lai, Việt Nam khó là nước có nhiều tỷ phú, triệu phú, có thể có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chết đi nhưng cũng chỉ là tự sinh, tự diệt, không phải tuyệt chủng hoàn toàn.

* Tại sao sau gia nhập Việt Nam sẽ không có nhiều tỷ phú, triệu phú, thưa ông?

- Nếu chưa hội nhập sẽ có những chính sách bảo hộ, hỗ trợ cho doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tạo ra các trụ cột cho nền kinh tế. Như Hàn Quốc đã có hoạch định rõ nét xây dựng các tập đoàn kinh tế làm các cột đỡ cho cả nền kinh tế của Hàn Quốc và họ chuẩn bị có ý đồ rất rõ trong 20 năm.

Hàn Quốc dành toàn lực để phát triển đội ngũ doanh nghiệp nhưng Việt Nam hoàn toàn không có. Đã có rất nhiều hội nhập nhưng không có chính sách nào cho các doanh nghiệp Việt Nam đến khi hội nhập doanh nghiệp nước ngoài sẽ thắng.

Các lĩnh vực điện tử, cơ khí, xây dựng ô tô thương mại đều không thành công, không thấy xuất hiện doanh nghiệp đủ lớn để trở thành những đế chế kinh tế, hỗ trợ cho toàn nền kinh tế.

Chúng ta muốn thắng ngay trận đầu nhưng điều đó không thể xảy ra được. Điều tôi chấp nhận đánh đổi ở đây là tôi không kỳ vọng vào sự toàn thắng cho trận đầu tiên thậm chí còn phải chấp nhận đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng khi chúng ta hội nhập có nghĩa là chúng ta chấp nhận vào cuộc chơi này và theo đó chúng ta phải thay đổi.

* Theo ông, sự thay đổi phải bắt đầu từ đâu và doanh nghiệp cần phải làm gì?

- Thay đổi kỳ vọng chính là thay đổi chính sách. Chính sách phải tương thích với khối và sẽ cởi mở theo hướng công bằng, gần với thông lệ hơn, điều này sẽ tác động vào doanh nghiệp.

Bình thường doanh nghiệp sẽ thời ơ làm theo văn hóa làng xã nhưng mở rộng hội nhập đứng trước sự tồn vong doanh nghiệp buộc phải vươn lên và tự nâng trình độ của mình lên.

Với doanh nghiệp, việc đối đầu không được, thành bạn bè cũng khó chúng ta sẽ lựa chọn làm mắt xích trong cả hệ thống. Trong sự cọ xát như vậy 5 năm sau sự trưởng thành rõ rệt khác biệt nếu không có sự cạnh tranh mãi mãi ta sẽ ứng xử làng xã với nhau đây là giá phải trả.

Có ý kiến cho rằng điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là không có tính liên kết, hoạt động manh mún, theo ông doanh nghiệp Việt có nên bắt tay nhau trong những cuộc chơi lớn này?

Đứng trước áp lực sống còn buộc doanh nghiệp phải lựa chọn có bắt tay hay không, tùy từng bối cảnh điều kiện mỗi doanh nghiệp sẽ biết phải hành xử như thế nào.

Theo tôi, chúng ta cần chuẩn bị tâm thế bình tĩnh, chấp nhận cuộc chơi, trong khó khăn sẽ sinh ra cơ hội trong cuộc ra trận vào ngày mai.

* Xin cảm ơn ông!

Theo DNSG


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang