Sau khi biết điểm chuẩn đại học thí sinh cần làm gì?

authorHoàng Dương 06:58 28/07/2017

(VietQ.vn) - Sau khi biết điểm chuẩn đại học và biết đã đỗ đại học các thí sinh cần thực hiện ngay những điều này.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Chậm nhất ngày 1/8, các trường đại học sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Từ ngày 26/7 đã có một trường công bố điểm chuẩn sớm, hầu hết các trường này thuộc khối nghệ thuật hoặc những trường xét tuyển sinh dựa trên học bạ. Bắt đầu từ ngày 29/7 các trường khối công an, quân đội sẽ chính thức công bố điểm chuẩn. Sau đó, các trường đại học khác sẽ công bố điểm sau khi lọc ảo bằng phần mềm của Bộ.

Sau khi biết điểm chuẩn đại học thí sinh cần làm gì?

Sau khi biết mình đã trúng tuyển đại học, các thí sinh cần nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện) để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển - Ảnh minh họa.

Với các thí sinh, sau khi có điêm chuẩn và đã có tên trong danh sách trúng tuyển, đến trước ngày 7/8, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện) để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển. Theo lịch nhập học của trường thí sinh sẽ đến trường nộp các giấy tờ (học bạ, giấy chứng nhận ưu tiên…) để làm thủ tục nhập học.

Trường hợp thí sinh không xác nhận nhập học thì vẫn có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cũng cần cân nhắc lựa chọn các ngành, trường yêu thích để đảm bảo khi trúng tuyển có thể yên tâm xác nhận nhập học vào trường.

Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau ngày 13/8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng.

Sau khi trúng truyển các thí sinh cần theo dõi thông tin về lịch nhập học vì nhiều trường đại học ngay sau đó sẽ có lịch nhập học và lịch học sớm cho tân sinh viên. Cùng với đó, các thí sinh cần chuẩn bị các loại giấy tờ mà nhà trường yêu cầu nộp khi nhập học.

Các loại giấy tờ đó là:

- Giấy triệu tập trúng tuyển.

- Học bạ (bản sao có công chứng)

- Hồ sơ trúng tuyển có dán sẵn ảnh chân dung đã đóng dấu giáp lai của chính quyền địa phương theo mẫu có sẵn của Bộ GD-ĐT.

- Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp trung học đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp trung học để đối chiếu kiểm tra.

- Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân.

- Sổ đoàn viên.

- Giấy khai sinh (bản sao có thị thực)

- Phiếu khám sức khỏe do phòng khám quận, huyện cấp

- Hồ sơ, giấy Chứng nhận ưu đãi ,ảnh nhỏ 3x4 hoặoc 4x6. (chuẩn bị tối thiểu 4 ảnh)

- Ngoài ra bạn nên chuẩn bị sinh hoạt phí, học phí theo mức thu mà nhà trường thông báo

- Bản sao có chứng thực các giấy tờ pháp lý để xác nhận đối tượng ưu tiên (nếu có) như giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc cha mẹ.

- Giấy chứng nhận đăng ký Nghĩa vụ quân sự (NVQS) và Giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do BCH quân sự cấp (đối với thí sinh nam).

Các bạn lưu ý:

- Giấy báo nhập học phải là bản chính, Bằng tốt nghiệp phải có bản chính và bản sao (có công chứng), bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp hoặc bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp.

- Với giấy khai sinh, các bạn phải có bản sao chứ các bạn không được photo công chứng. Đối với Hồ sơ trúng tuyển Sinh viên phải ghi đầy đủ tất cả các mục, dán hình có đóng dấu giáp lai và xác nhận của địa phương (theo mẫu do Bộ GD-ĐT phát hành, các bạn có thể chỉ có thể mua tại Sở GD-ĐT ở địa phương bạn học cấp III).

- Với học bạ bạn cần có bản sao (có công chứng, bạn có thể sao học bạ tại trường cấp III bạn đã theo học).

Đối với SV trúng tuyển nhờ xét điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) phải nộp giấy chứng nhận ưu tiên. Giấy chứng nhận diện chính sách: dân tộc ít người, con liệt sĩ, con thương/bệnh binh (kèm bản sao thẻ thương/bệnh binh có công chứng), chứng nhận hộ nghèo… dùng để xét miễn giảm học phí.

Thêm nữa, các bạn cần có giấy xin phép tạm vắng ở địa phương để đăng ký tạm trú tại địa phương nơi các bạn sẽ thuê nhà trọ. (Các bạn không cắt hộ khẩu ở địa phương vì các trường không nhập hộ khẩu cho SV)

Lưu ý thêm:

Thí sinh trúng tuyển phải đến nhập học theo đúng yêu cầu ghi trong Giấy triệu tập trúng tuyển của trường. Đến chậm 15 ngày trở lên (kể từ ngày ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển), nếu không có lí do chính đáng, coi như bỏ học. Đến chậm do ốm đau, tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, được xem xét vào học hoặc bảo lưu sang năm sau. Mỗi trường sẽ có những yêu cầu nộp các loại giấy tờ khác nhau.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang