Sau Tết, giá rau xanh tăng ‘chóng mặt’, thịt lợn giảm nhẹ

author 09:09 30/01/2020

(VietQ.vn) - Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, giá rau xanh tăng chừng 20%, giá thịt lợn giảm nhẹ tại nhiều khu chợ truyền thống ở nội thành Hà Nội.

Giá rau xanh tăng do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao

Theo khảo sát tại một số khu chợ truyền thống ở Hà Nội, giá rau xanh tăng mạnh, so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý, giá rau xanh tăng chừng 20%. Cụ thể tại chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy), giá rau muống ở mức 15.000 đồng một mớ, trong khi đó trước Tết giá rau muống chỉ dao động khoảng 8.000 đến 12.000 đồng một mớ. Rau cải các loại dao động từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng một mớ. Rau cần có giá 13.000 đồng một mớ, dưa leo 16.000 đồng một kg, nấm kim châm 18.000 đồng một gói.

Theo các tiểu thương bán hàng rau, củ, quả tại chợ Trung Kính, giá rau xanh tăng từ Mùng 2 Tết Nguyên đán. Các loại rau ăn lẩu tăng cao nhất và luôn ở mức đắt đỏ, sau đó đến các loại củ, quả.

Giá rau xanh tăng mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. 

Chị Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương bán hàng rau tại chợ Trung Kính cho biết, rau muống, rau cần, cải cúc, ngải cứu, khoai môn là những loại rau, củ được chọn mua nhiều.

“Những loại rau ăn lẩu có giá rất cao, không phải chúng tôi tự ý tăng mà do thị trường sau Tết rau ở chợ đầu mối cũng khan hiếm, trong khi đó nhu cầu của người dân lại cao. Chưa kể nhiều tiểu thương nghỉ Tết chưa bán hàng trở lại nên giá rau xanh tăng cũng là chuyện bình thường. Những loại rau ăn lẩu có giá cao nhất. Có thể sau Rằm tháng Giêng các loại rau xanh sẽ hạ nhiệt bởi khi đó thị trường sẽ bình ổn”, chị Minh thông tin. 

Bà Nguyễn Thị Thoa - tiểu thương bán rau tại chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa – Hà Nội) cho hay, việc giá xanh tăng sau Tết Nguyên đán năm nào cũng diễn ra. Bởi sau Tết lượng rau không có nhiều, hầu hết các loại rau đều thu hái và phục vụ thị thường dịp Tết Nguyên đán. Do đó sau Tết thường ít rau xanh và tại Hà Nội rau chủ yếu lấy nguồn từ những vựa rau ở Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai… mà nhiều nông dân vẫn nghỉ Tết, nghỉ chơi hội làng nên chưa thu hái nhiều. "Ngoài thị trường rau xanh khan hiếm, nhu cầu người tiêu dùng cũng tăng vì sau Tết người dân trở lại thủ đô học tập, sinh hoạt, nhiều gia đình cũng chọn ăn lẩu và ăn rau để chống ngán sau Tết”, bà Thoa nói.

Rau tại các siêu thị cũng có mức giá tương đương với các chợ truyền thống. 

Tại các siêu thị giá rau xanh cũng tương đương với các khu chợ truyền thống. Tuy nhiêu giá một số loại củ quả như dưa leo, cà chua, cà pháo, mướp, bầu tăng nhẹ. Bên cạnh nguồn rau từ những vựa rau ở ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín thì tại các siêu thị cũng nhập rau xanh từ Đà Lạt nhưng giá đắt đỏ và số lượng không nhiều.

Giá thịt lợn giảm nhẹ

Trái ngược với giá rau xanh, giá thịt lợn tại các khu chợ có chiều hướng giảm nhẹ so với trước Tết Nguyên đán. Tại chợ Pháo Đài Láng, giá lợn thịt dao động từ 110.000 đồng đến 160.000 đồng một kg. Bà Nguyễn Thị Vui - tiểu thương bán lợn thịt tại chợ này cho biết, mặt hàng có mức giá cao nhất vẫn là xương sườn, sau đó đến thịt ba rọi và các loại thịt nạc như nạc thăn, nạc vai, thịt chân giò có mức giá dao động khoảng 140.000 đồng một kg.

“Nếu so với trước Tết thì giá thịt lợn đã giảm nhẹ, nhu cầu người tiêu dùng cũng ít hẳn. Trước Tết mỗi ngày tôi bán ít nhất khoảng 3 con lợn thì sau Tết mỗi ngày chỉ bán được chừng hơn 1 con. Như vậy giá giảm và nhu cầu của người tiêu dùng cũng giảm một nửa”, bà Vui thông tin.

Tại chợ Láng (Hà Nội) thịt lợn cũng không phải mặt hàng bán chạy dù sau Tết lượng thịt không nhiều và nhiều tiểu thương vẫn nghỉ Tết chưa bán trở lại. Giá thịt lợn tại đây ghi nhận giảm so với thời điểm trước Tết chừng 5.000 đến 20.000 đồng một kg tùy loại.

Theo nhiều người tiêu dùng, thịt lợn không phải thực phẩm mà họ cần mua sau Tết. Sau Tết rau xanh và các loại củ quả mới là loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, Tết hầu như các món ăn đều được chế biến bằng thịt nên rất ngán. Do đó, để giải ngán sau Tết gia đình chị hạn chế ăn thịt trong bữa ăn hàng ngày mà thay vào đó là sử dụng nhiều rau xanh.

“Sau Tết gia đình tôi ai cũng tăng cân vì ăn nhiều tinh bột chứa trong các loại bánh nếp như bánh chưng, xôi… Bên cạnh đó thịt cũng là thịt phẩm được sử dụng nhiều với các loại giò, chả… Do vậy, hàng ngày tôi thường chế biến các món ăn có nhiều rau xanh cho gia đình để chống ngán như nộm, salat, lẩu hay rau, củ quả luộc. Thậm chí mỗi ngày gia đình tôi chọn ăn chay một bữa để giảm thiểu lượng thịt ăn quá nhiều dịp Tết”, chị Hoa nói.

Giá thịt lợn giảm nhẹ do nhu cầu thực đơn giảm chất béo sau Tết của các gia đình. 

Với giá lợn hơi, so với thời điểm trước Tết, giá lợn hơi cũng giảm nhẹ. Theo ghi nhận tại miền Bắc, giá lợn hơi tại Hà Nam và Hưng Yên đạt mức 86.000 đồng/kg, đây là 2 địa phương cao nhất cả nước. Tại Bắc Giang, Thái Bình lợn hơi đang được thu mua với mức 84.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như Ninh Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định dao động trong khoảng từ 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Tương tự với miền Bắc, giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên: khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận ở mức 85.000 đồng/kg. Tại Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng dao động từ 82.000 - 84.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Nam, tỉnh Long An ở mức 84.000 đồng/kg. Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Hậu Giang, Bình Dương, Trà Vinh dao động khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang ở mức 78.000 đồng/kg.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang