Sau vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam: hàng Việt lao đao, hàng Thái tăng cao

author 06:12 11/08/2014

(VietQ.vn) - Vụ chuyển nhượng kinh doanh Metro Việt Nam cho tỷ phú Thái Lan là khởi đầu cho cuộc xâm nhập một cách sâu rộng của các nhà phân phối hàng hóa Thái Lan và có thể là dấu chấm hết cho hàng Việt.

Thông tin chính thức về thương vụ đình đám bán Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD cho tỷ phú Thái Lan làm rúng động thị trường bán lẻ Việt Nam và giới doanh nghiệp. Đây được coi là vụ chuyển nhượng kinh doanh quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD.

Người Thái nắm giữ hệ thống bán buôn lớn nhất nhì Việt Nam với 19 siêu thị, liệu hàng Việt còn có mặt ở Metro hay không hay sẽ bị lấn át bới sự gia tăng của hàng Thái?

Chuyển nhượng kinh doanh Metro Việt Nam cho người Thái gây áp lực nhiều cho hàng hóa Việt

Chuyển nhượng kinh doanh Metro Việt Nam cho người Thái gây áp lực nhiều cho hàng hóa Việt. Ảnh minh họa.

Mặc dù không có thống kê phần trăm số hàng Việt Nam được bày và bán tại các siêu thị lớn như Metro, Big C song xu hướng tiêu dùng mới của cư dân thành thị đang hướng đến mua bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngày một nhiều. Chính vì thế nên việc Metro thay tên đổi chủ cho tỷ phú Thái Lan chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi đối với thị trường hàng hóa và áp lực của hàng Việt lúc này rất lớn.

Từ chỗ lác đác vài điểm trên các con phố trung tâm Hà Nội và nhiều thành phố khác, giờ đây, những cửa hàng, siêu thị mini, len lỏi trong khu dân cư, bán đồ Thái Lan không còn hiếm, cho thấy nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm "Made in Thailand" vẫn lớn. Xu hướng tiêu dùng ấy cũng được các doanh nghiệp Thái Lan ghi nhận và biểu hiện rõ nhất là việc chuyển nhượng kinh doanh Metro Việt Nam.

Hàng hóa Thái Lan theo chân vụ chuyển nhượng Metro thâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt.

Hàng hóa Thái Lan theo chân vụ chuyển nhượng Metro thâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt. Ảnh minh họa.

Sự thâm nhập của Thái Lan sẽ là cơ hội thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam từng cảnh báo trong tương lai, hàng Thái Lan sẽ lấn át hàng Việt nếu như các doanh nghiệp trong nước không nhanh nhạy xây dựng hệ thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khuyến nghị các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên tăng cường hợp tác để giữ vững thị phần, tránh việc hàng hóa ngoại lấn át và cạnh tranh giá cả. “Chúng ta đang khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, do đó phải quy định trong siêu thị, cửa hàng phải bán bao nhiêu phần trăm là hàng trong nước, bao nhiêu là hàng nước ngoài”, lãnh đạo Hiệp hội siêu thị nhấn mạnh.

Tiết chế hàng Thái, tăng chất lượng hàng Việt để khuyến khích người dân dùng sản phẩm trong nước.

Tiết chế hàng Thái, tăng chất lượng hàng Việt để khuyến khích người dân dùng sản phẩm trong nước. Ảnh minh họa.

Việc sính hàng ngoại, đặc biệt là các mặt hàng có nguồn gốc từ Thái Lan đang rất thịnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các siêu thị lớn nhỏ của Việt Nam cần có những biện pháp tiết chế hàng nhập để kích thích sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước nhà phát triển.

Thanh Hằng (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang