CTCP Gang thép Thái Nguyên chấp thuận để SCIC rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng vốn

authorĐỗ Thu Thoan 10:39 22/04/2017

(VietQ.vn) - Ngày 20/4, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã chấp thuận phương án để SCIC rút toàn bộ vốn góp theo phương thức giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Dẫn thông tin từ Dân trí cho biết, khoản tiền 1.000 tỷ đồng này là giá trị số cổ phiếu riêng lẻ được Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - mã TIS) phát hành cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hồi năm 2015 để tăng vốn, thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo, mở rộng giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay, số tiền này vẫn nằm trong ngân hàng hưởng lãi suất 5,3 - 5,5%/năm.

Ngày 20/4, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của TISCO đã chấp thuận phương án để SCIC rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng vốn góp theo phương thức giảm vốn điều lệ của DN này với tỷ lệ cổ đông bỏ phiếu chấp thuận là 99,99%.

scic-rut-von-gan-100-co-dong-gang-thep-thai-nguyen-chap-thuan

Gần 100% cổ đông Gang thép Thái Nguyên chấp thuận để SCIC rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng vốn tại DN này. Ảnh minh họa

Vietnamnet cho biết thêm, trước đó SCIC đã có công văn gửi TISCO đề nghị bổ sung nội dung về việc thông qua phương án rút toàn bộ vốn của SCIC vào chương trình đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Theo SCIC, việc rút vốn được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính. 

Gần 10 năm trước, TISCO ký hợp đồng chọn nhà thầu là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II. Đây là dự án nhóm A được vay vốn ưu đãi. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng.

Cũng theo Vietnamnet, dự án khởi công 2007 nhưng ít lâu sau phải dừng hoạt động. Năm 2009, dự án khởi động trở lại nhưng đã bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng. Số vốn đội lên quá lớn khiến việc thu xếp vốn cho dự án của TISCO gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 7/2012, dự án lại bắt đầu rơi vào giai đoạn “chết lâm sàng” lần hai khi đang xây dựng thì các nhà thầu Trung Quốc MCC lục tục kéo nhau về nước.

Dự án gang thép Thái nguyên mở rộng giai đoạn 2 là 1 trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả ngành Công Thương.

scic-rut-von-gan-100-co-dong-gang-thep-thai-nguyen-chap-thuan

Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II nằm đắp chiếu. Ảnh: Vietnamnet

Được biết, tại phiên họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, nhà máy ngành công thương hồi cuối tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC rút 1.000 tỷ đồng này ra khỏi TISCO "càng sớm càng tốt", theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm minh bạch, Dân trí thông tin thêm.

Trong buổi gặp mặt báo chí quý I/2017, mặc dù không đề cập đến vấn đề rút vốn khỏi TISCO, song ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhấn mạnh, việc thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đều phải đảm bảo mục đích cao nhất là bảo toàn và phát triển đồng vốn Nhà nước sau khi thoái vốn.

Hiện SCIC đang nắm giữ 35,21% vốn điều lệ của TISCO, tương ứng 100 triệu cổ phần. Đây là số cổ phần TISCO phát hành riêng lẻ cho SCIC năm 2015. Sau phát hành TISCO tăng vốn điều lệ lên 2.840 tỷ đồng, theo nguồn tin từ Infornet.

Số vốn phát hành thêm tương ứng 1.000 tỷ đồng để thanh toán cho các hạng mục đầu tư dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần, trong khi đó, tại thời điểm phát hành, giá cổ phiếu TIS gia dịch trên thị trường UpCOM đang giao dịch quanh mức giá 4.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu được thông qua và thực hiện thành công, TISCO sẽ giảm vốn điều lệ về 1.840 tỷ đồng.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang