Sẽ có giải thưởng về năng suất trao cho 100 doanh nghiệp điển hình?

author 19:24 21/03/2019

(VietQ.vn) - TS. Vũ Tiến Lộc cùng VCCI đề xuất có Giải thưởng top 100 doanh nghiệp cải thiện năng suất cao nhất, hàng năm đều có một tháng được chọn làm "Tháng Năng suất".

Mức NSLĐ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dẫn lời giáo sư Michael Porter để khẳng định rằng, năng suất là yếu tố động lực và cốt lõi dẫn dắt sự phát triển và thịnh vượng. Chính vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cần phải tăng năng suất quốc gia.

Nhận thức được vài trò và tầm quan trọng của việc tăng năng suất, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và giải pháp để cải thiện năng suất lao động (NSLĐ). Nhờ đó, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

Tính chung giai đoạn 10 năm từ 2008-2017, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm); Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philippines (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng mức NSLĐ của Việt Nam so với các nước hiện còn thấp. Ảnh: Hán Hiển 

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Singapore, 18,4% của Malaysia; 36,2 % của Thái Lan; 43% của Indonesia; 55% của Philippines.

Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ của Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, kể từ thời điểm năm 2015, NSLĐ ngành của Việt Nam hầu hết ở mức gần hoặc thấp nhất trong tương quan với các nước so sánh.

Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam thấp nhất, xếp sau Campuchia ở ba ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Vận tải, kho bãi, truyền thông. NSLĐ của Việt Nam xếp thứ hai, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Điện, khí và cung cấp nước; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, khách sạn và nhà hàng. Ngược lại, Việt Nam có NSLĐ cao hơn nhiều quốc gia ở ba nhóm ngành: Trung gian tài chính, bất động sản, cho thuê và các hoạt động kinh doanh; Dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Tiến trình tăng NSLĐ còn chậm, không ổn định

Nhận định về tiến trình NSLĐ của nền kinh tế và các ngành/khu vực, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, NSLĐ của toàn nền kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng dần theo thời gian nhưng còn chậm và không ổn định. So với các nước đã đạt được thành tựu kinh tế cao thì Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng năng suất đủ nhanh để cất cánh.

Cũng theo TS Thành, mặc dù phù hợp với kinh nghiệm chung là NSLĐ của nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng là cao nhất, tiếp đó là nhóm ngành Dịch vụ và thấp nhất là nhóm Nông lâm thủy sản nhưng điều đáng lưu ý là NSLĐ của nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng tại nước ta hiện cũng đang có xu hướng chững lại (đầu thập niên 2000).

TS Nguyễn Đức Thành đánh giá, thời gian qua, một số nhóm ngành có sự chững lại trong tăng trưởng NSLĐ. Ảnh: Hán Hiển 

Mặt khác, xét theo thành phần kinh tế thì NSLĐ của khu vực FDI có xu hướng giảm dần, khu vực nhà nước và ngoài nhà nước tăng dần. Trong khi đó, NSLĐ của khu vực ngoài quốc doanh là rất thấp, dù có cải thiện qua các năm.

Thêm vào đó, NSLĐ của các ngành quan trọng chưa được cải thiện đáng kể. Công nghiệp và Xây dựng là nhóm ngành đóng góp gần 40% vào GDP cả nước. Tuy nhiên, NSLĐ của các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm ngành như Công nghiệp chế biến, chế tạo và Xây dựng (lần lượt khoảng 50% và 18% giá trị gia tăng của nhóm ngành) không tăng, thậm chí còn giảm trong thời gian qua.

Cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào năng suất quốc gia

Theo TS Vũ Tiến Lộc, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để tăng NSLĐ, Việt Nam cần quyết tâm thực hiện mạnh mẽ các Phong trào Năng suất quốc gia.

“Phong trào Năng suất quốc gia sẽ tập trung vào việc tăng hiệu quả và năng suất của các doanh nghiệp, tổ chức thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý. Chính vì thế mà Việt Nam cần xây dựng một chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài với sự cam kết của lãnh đạo cao nhất. Việc này tương tự như sự quan tâm của Thủ tướng Lý Quang Diệu dành cho “Phong trào năng suất” ở Singapore-một yếu tố quan trọng cho thành công của chính sách lớn, mang tính bao trùm, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực”, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn.

Cũng theo vị này, Phong trào năng suất quốc gia sẽ dự kiến tập trung vào các hoạt động như: Xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động quảng bá nhận thức sâu rộng về phong trào năng suất chất lượng; Thúc đẩy phong trào năng suất trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thông qua Giải thưởng top 100 doanh nghiệp có cải thiện năng suất cao nhất; Phổ biến áp dụng phương pháp cải tiến năng suất tại các doanh nghiệp, phổ biến các công cụ, kỹ thuật tiên tiến, thực hành năng suất xanh và các hoạt động năng suất trên phạm vi toàn quốc;

Xúc tiến các hoạt động nghiên cứu nhằm phát hiện các yếu tố cản trở cải thiện năng suất lao động tại doanh nghiệp từ đó xây dựng các công cụ, chính sách giải quyết cản trở cải thiện năng suất; Hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các tổ chức xúc tiến, tư vấn của Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng và thực hiện thành công phong trào tăng NSLĐ trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, TS Vũ Tiến Lộc và VCCI cũng đề xuất chọn một tháng trong năm làm tháng năng suất quốc gia. “Ví dụ như tháng 11 hàng năm sẽ được chọn làm “Tháng Năng suất” ở Việt Nam với việc công bố giải thưởng Top 100 doanh nghiệp, tổ chức có cải thiện năng suất cao nhất trong năm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Hán Hiển

70% doanh nghiệp tại TP.HCM có hoạt động năng suất chất lượng hiệu quả(VietQ.vn) - Theo thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM, việc áp dụng hệ thống quản lí như ISO 9001:2015 giúp doanh nghiệp tăng trưởng về năng suất, doanh thu và lợi nhuận từ 30% - 50% so với năm trước.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang