Sẽ đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, thúc đẩy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

author 13:29 22/07/2021

(VietQ.vn) - Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần giúp những quy định về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình mới, tạo ra những chính sách thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian sắp tới.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kết, đánh giá quá trình gần 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế thời gian qua cũng đã ghi nhận sự thay đổi tích cực về mặt nhận thức của các chủ thể trong nền kinh tế - xã hội đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đã được thực hiện rất đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và hình thành được một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, nhờ sự hỗ trợ rất đắc lực của mạng lưới 56 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước trong việc hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thực hiện thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền không chỉ nâng hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam mà trong khu vực cũng như quốc tế đánh giá cao.

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, một trong những kết quả rất nổi bật là việc xây dựng và đưa vào vận hành tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn phí cước gọi đến 18006838. 

Mặc dù vậy, trong năm 2020 có tới 11.211 cuộc gọi tới tổng đài của Bộ Công Thương nhưng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ có thể tiếp nhận và trả lời được khoảng 80 - 90% cuộc gọi đến. Đây là con số khá cao so với khoảng 60% cuộc gọi tới được trả lời vào giai đoạn 2015-2019.

Số lượng cuộc gọi này cho thấy, việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng tăng lên cùng với năng lực xử lý tại các cơ quan quản lý nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tồn tại chưa được xử lý hết. Thực tế cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nhiều bởi một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, chính xác những quy định pháp luật về vấn đề này.

Nguyên nhân được xác định là do một số đơn vị, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năng lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, hạn chế mà không có giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tăng mức độ tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng nhận định, một trong những nhiệm vụ chính đó là việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tới thời điểm hiện tại, công tác đề xuất sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cơ bản được sự đồng ý về mặt chủ trương của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong thời gian sắp tới, những thủ tục liên quan đến việc sửa đổi Luật sẽ được thực hiện theo các quy định liên quan.

Trong quá trình sửa đổi thì một loạt những nội dung, tồn tại, hạn chế của Luật sẽ được xem xét, đánh giá toàn diện, chi tiết để làm sao có thể tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội; đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội nhằm giúp những quy định về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình mới, tạo ra được những chính sách thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian sắp tới.

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

Chương trình phấn đấu đến hết năm 2025, hàng năm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (63/63) đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Bảo đảm hàng năm ít nhất 200.000 người tiêu dùng trên cả nước được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng, trong đó có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế như học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,…

Tổ chức được ít nhất 500 khóa đào tạo, lớp tập huấn ngắn, trung và dài hạn trong và ngoài nước cho các cán bộ, công chức, người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập được Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới địa bàn quận, huyện. Đồng thời, hình thành hệ thống tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chương trình xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; xây dựng, phát triển và triển khai một quy trình tư vấn, hướng dẫn chung cho các cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng tới việc sử dụng, vận hành một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình tư vấn thống nhất cho các yêu cầu, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc tại các cơ quan, tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng.

Bảo đảm 90% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt trên 80% vụ việc được tiếp nhận.

Chương trình trên bao gồm các hoạt động, đề án đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phê duyệt để thực hiện các nội dung quy định tại Điều 48, Điều 49 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 28, Điều 35 của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các mục tiêu quy định trên.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình sẽ tập trung phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo những nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng…

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang