Sẽ ghi nhãn cảnh báo tác hại cho sức khỏe trên chai rượu

author 08:51 23/03/2016

Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, các nhà chuyên môn đề xuất ghi nhãn cảnh báo tác hại cho sức khỏe trên bao bì rượu, bia...

Rượu nào cũng gây độc

Tại Hội nghị phòng chống ngộ độc Methanol trong đồ uống có cồn diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội, BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, kết quả xét nghiệm nống độ rượu trong máu của 758 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu (từ 2013 đến 2015) cho thấy có 80 mẫu (10,56%) chỉ có methanol, 8 mẫu (1,32%) có cả methanol và ethanol, còn lại là ethanol.

Cấp cứu một ca ngộ độc rượu tại BV Bạch Mai

Trong khi đó, methanol là chất hóa học có độc tính và không dùng cho người do có thể gây những ảnh hưởng nguy hại về sức khỏe, thậm chí tử vong. Bởi khi uống phải từ 12 - 24 giờ, người bệnh xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như gây mù, mờ mắt, đồng tử giãn, co giật, tụt huyết áp, co giật, hôn mê...

Điều tra ban đầu trên 30 bệnh nhân từ năm 2013 - 2014 cho thấy có 6,67% cố ý uống cồn công nghiệp vì nghiện rượu quá nặng. Còn lại là do vô tình uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp.

Không chỉ rượu pha cồn công nghiệp methanol mới gây hậu quả, mà ngay với rượu ethanol, khi cơ thể dung nạp một lượng rượu, bia nhất định, các mạch máu giãn ra, tim đập nhanh hơn tạo cảm giác nóng lên, nếu vận động mạnh hoặc thay đổi môi trường đột ngột khiến huyết áp tăng cao, gây tai biến, có thể dẫn đến tử vong.

Việc lạm dụng rượu bia gây ra rất nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực tới trật tự an toàn xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Hiện có 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% vụ bạo lực gia đình,38% vụ gây rối trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân do lạm dụng rượu bia. Trong khi đó tại Việt Nam có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á với khoảng 3 tỉ lít bia và 68.000 nghìn lít rượu vào năm 2013.

Đáng nói, trong số lượng rượu bia được tiêu thụ có rất nhiều rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn. Trong giai đoạn 2007 – 2015 đã có 30/63 tỉnh thành phố ghi nhận xảy ra ngộ độc rượu với 87 vụ. Hầu hết các loại rượu đã sử dụng trong các vụ ngộ độc đều là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, rượu trắng có hàm lượng methanol cao gây ra 11/50 vụ; rượu ngâm thuốc lá gây ra 8/50 vụ... Rượu trắng, rượu có hàm lượng Methanol cao và rượu ngâm cây rừng là ba loại rượu gây tử vong nhiều nhất trong các vụ ngộ độc do sử dụng rượu.

Ghi nhãn cảnh báo

Vì tính chất nguy hiểm của rượu bia cho sức khỏe, cho cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách mong muốn quản lý để giảm thiểu tác hại của rượu bia đến sức khỏe con người.

“Hiện nay, hiểu biết của người dân về tác hại của lạm dụng rượu bia chưa đầy đủ, trong khi đó, việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì rượu, bia có thể truyền tải thông điệp về tác hại của rượu, bia một cách liên tục đến người sử dụng”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, trong dự thảo luật này, Bộ Y tế có trách nhiệm quy định cụ thể về việc in cảnh báo sức khỏe đối với rượu, bia. Chính phủ sẽ quy định lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì. Cũng theo ông Quang, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia có trách nhiệm ghi rõ thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu bia; không được bán rượu bia cho trẻ em…

Trên thế giới đã có 31/116 quốc gia có quy định bắt buộc về cảnh báo sức khỏe và an toàn trên vỏ chai hoặc thùng rượu, bia.

Theo Dân trí


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang