Sẽ không bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng

author 08:50 21/05/2015

Chiều 20/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đọc Tờ trình về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). Theo đó, các bộ luật đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm ngăn tình trạng oan sai, bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo... nhưng không nhẹ tay với đối tượng tham nhũng...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Không bỏ án tử hình với tội danh tham ô, nhận hối lộ. 

Không nương tay với quan chức tham nhũng

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng, giảm án tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội như dự thảo quy định gồm: cướp tài sản, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chống mệnh lệnh, đầu hàng địch, vận chuyển trái phép chất ma túy... thì cần bỏ thêm đối với các tội là sản xuất, buôn bán hàng giả; tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. Bởi vì, suy cho cùng, các tội phạm này mang tính chất kinh tế, vì vụ lợi, người thực hiện hành vi phạm tội này nhằm mục đích thu lợi.

“Chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng”, ông Cường nhấn mạnh.

Hỏi cung phải ghi âm, ghi hình

Về Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, để ngăn chặn tình trạng oan sai và bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung, Dự  luật đã quy định theo hướng: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Bởi đây cũng chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Bình, qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung khó thực hiện được. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành: có thể ghi âm hoặc ghi hình khi xét thấy cần thiết. Trường hợp nào được coi là cần thiết sẽ do cơ quan tố tụng cân nhắc, quyết định.

Loại tội phạm nào được coi là có mục đích kinh tế?

Tuy nhiên, tại Dự thảo luật cũng quy định “cơ chế mở” là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định này còn thiếu cụ thể, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và không bảo đảm tính khả thi. “Thế nào là “khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm”? Loại tội phạm nào là tội phạm “có mục đích kinh tế”, có bao gồm các tội phạm về ma túy hay không? Vì mục đích của tội phạm ma túy suy cho cùng, cũng là vì lợi nhuận. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến.

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang