Sẽ kiểm tra chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội

author 07:00 08/01/2020

(VietQ.vn) - Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Theo đó, nội dung kiểm tra công tác sẽ gồm công tác nội kiểm và kiểm tra chất lượng nước thành phẩm tại các cơ sở cấp nước với tấn suất ít nhất 1 lần/năm.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc kiểm tra đột xuất sẽ được thực hiện khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước định kỳ, đột xuất của đơn vị cấp nước; khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước. Khi kết quả kiểm tra chất lượng nước hoặc điều tra cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm; khi có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước hoặc khi có các yêu cầu đặc biệt khác.

Đồng thời, Sở sẽ giám sát tình trạng vệ sinh nguồn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại hộ gia đình. Cụ thể, tối thiểu 20 hộ gia đình/xã, phường/tháng. Ngoài ra còn giám sát nguồn nước hộ gia đình tự khai thác tại các vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp đảm bảo sức khỏe người dân.

Theo kế hoạch, Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ thanh tra đột xuất và định kỳ các cơ sở cấp nước, nhà chung cư, cơ sở y tế, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng các quy định hiện hành.

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề quản lý sản xuất và kinh doanh nước, nhiều chuyên gia cho biết, Việt Nam là một đất nước tới 3.500 dòng sông và có nhiều hồ, nhưng tài nguyên nước ở Việt Nam cũng tiềm tàng các rủi ro. Trước đây, cũng đã có rất nhiều thông tin cảnh báo về quản trị nước ở Việt Nam. Từ hơn 20 năm trước, theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc, nước ngầm đang cạn dần. Đáng chú ý, dù có nhiều sông hồ, nhưng hai phần ba tổng lượng nước trên các dòng sông của Việt Nam chảy vào từ bên ngoài lãnh thổ và nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của quốc gia. Trong khi đó, hiện nước trên các dòng sông không chỉ bị ảnh hưởng bởi khí hậu mà sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động của các quốc gia phía thượng nguồn, trung nguồn.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu về nước đi thực tế thí điểm đánh giá ở Hà Tĩnh phản ánh nhiều ao hồ, sông suối bị ô nhiễm đến không thể sử dụng. Rõ ràng khi nguyên liệu đầu vào để sản xuất nước ô nhiễm như thế thì chi phí xử lí sẽ rất cao và việc giảm giá nước là rất khó.

Nghiên cứu về quản trị nước ở Việt Nam do Ban Nước Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm Tài nguyên Nước 2030 thực hiện và công bố mới đây đã cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng “căng thẳng về nước” vào mùa khô năm 2030. “Các thách thức liên quan đến nước sẽ tiếp tục nhân lên trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững”, nghiên cứu này cảnh báo.

Các chuyên gia cho rằng, nước là hàng hoá thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống người dân, là hạ tầng thiết yếu quốc gia, và hiện ở Việt Nam lĩnh vực kinh doanh nước sạch đang dần hình thành độc quyền tự nhiên, đặt ra các mức giá nước chưa tương xứng với chất lượng, quản lý nhà nước đang buông lỏng, thiếu sự kiểm soát, can thiệp đầy đủ.

Theo các chuyên gia, nếu không có những thay đổi kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng bởi tăng trưởng sẽ bị kìm hãm do tình trạng thiếu nước, khu vực doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, người nông dân lại nghèo đi vì năng suất dùng nước thấp, lũ lụt và hạn hán phá hủy sinh kế. Đáng lo ngại hơn, môi trường và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nước.

Theo các chuyên gia pháp lý, Thông tư 41/2018/TT-BYT về quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt quy định tới 99 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này được chia thành 2 nhóm, A và B. Nhóm A gồm 8 chất ô nhiễm thường gặp nên mọi đơn vị cấp nước sạch đều phải test. Nhóm B gồm 91 chỉ tiêu hiếm gặp hơn nên tuỳ vào từng nguồn nước đầu vào có chất ô nhiễm nào thì sẽ test chất đó ở nước đầu ra. Điều 5 của Thông tư này cũng quy định là khi xảy ra sự cố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào thì phải test nước đầu ra tất cả các chỉ tiêu nhóm A và nhóm B.

Bảo Lâm

Chất lượng nước sông Đồng Nai ô nhiễm vượt quy chuẩn(VietQ.vn) - Kết quả quan trắc mới nhất về chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy chất lượng môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng với nhiều thông số vượt quy chuẩn và khó đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang