Sẽ kiểm tra hơn 500 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử và ứng dụng số

author 06:27 26/02/2021

(VietQ.vn) - Trong năm 2021, Cục QLTT Hà Nội sẽ kiểm tra 538 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh các nhóm hàng, lĩnh vực trọng điểm như thuốc lá, khí hóa lỏng, rượu, thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng số để hoạt động kinh doanh.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết công tác thanh tra, kiểm soát các nhóm ngành hàng trọng điểm này nhằm kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, đánh giá việc chấp hành pháp luật về điều kiện kinh doanh, đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm ngành công thương quản lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Cục QLTT Hà Nội đã quán triệt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nghiêm cấm cán bộ, công chức quản lý thị trường có hành vi, biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra phải đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh nhóm ngành hàng trên.

Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm rượu, thuốc lá, kinh doan khí dầu mỏ hóa lỏng, thương mại điện tử và sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Cục QLTT Hà Nội sẽ kiểm tra 538 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh các nhóm hàng, lĩnh vực trọng điểm như thuốc lá, khí hóa lỏng, rượu, thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng số để hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa

 

Trước đó, cũng theo thông tin từ Cục QLTT Hà Nội, trong năm 2020, cơ quan này đã kiểm tra 5.771 vụ việc, xử phạt tổng số tiền 133,525 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính 49,317 tỷ đồng; Tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 25,41 tỷ đồng; Xử lý tiêu hủy, tái chế/buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm trị giá 58,94 tỷ đồng.

Trong năm 2020, trên thị trường Hà Nội vẫn còn diễn ra các hiện tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trong nội địa Hà Nội; các thủ đoạn vận chuyển hàng hóa của các đối tượng cả về thời gian, phương tiện và tuyến đường đối tượng đi qua. Hóa đơn hàng hóa của các đối tượng vi phạm (như điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá điếu, rượu ngoại, hàng vải, quần áo, may mặc,... thường được sử dụng quay vòng khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường. Ngoài ra, do quy định thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hải quan thông thoáng, nên vẫn còn hiện tượng gian lận thương mại trong kê khai hải quan như kê không đúng số lượng, chủng loại, mã hàng hoá,...). Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là đường, sữa, bánh kẹo, thuốc lá, vải, quần áo, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược,...

Hàng giả không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ mà còn được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.

Các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng, tập trung chủ yếu vào các loại hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, kính mắt, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, xe máy... Ngoài ra, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng kinh doanh đã đặt mua hàng kém chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả xuất xứ của Việt Nam để đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sau đó bùng phát, lợi dụng tình hình khan hiếm một số mặt hàng phòng dịch và dịch bệnh nên một số đối tượng đã đầu cơ nâng giá, gây bất ổn thị trường. Hàng giả chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, sau đó nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng thành phẩm hoặc nguyên liệu để đóng gói trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thiệt hại đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tình hình vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Một số hàng hóa không tiêu thụ được, để tồn kho lâu dẫn đến hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng không cần đến, hiện tượng tẩy sửa hạn sử dụng.

Việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng như bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản, gia cầm,... không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tâm lý người tiêu dùng còn diễn ra nhỏ lẻ ở một số nơi trên địa bàn thành phố. Hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm thường xảy ra ở các mặt hàng như: xăng dầu, mũ bảo hiểm, thực phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang