Sẽ sớm có tiêu chuẩn về kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu

author 19:41 22/08/2018

(VietQ.vn) - Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ chuyên ngành cùng thảo luận, trao đổi, tiến tới xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho kiểm tra chuyên ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), từ sau khi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) có hiệu lực (22/2/2017), Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi các cam kết của Hiệp định này.

Cụ thể, Việt Nam theo dõi và triển khai các cam kết liên quan đến tiếp cận thông tin và tính minh bạch, cơ chế khiếu nại hàng hóa tạm giữ để kiểm tra, giải phóng nhanh hàng hóa...  Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thực thi cam kết theo Hiệp định; huy động nguồn hỗ trợ kỹ thuật thực thi Hiệp định; triển khai nhóm cam kết về thể chế, trong đó có việc thành lập và duy trì hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi Thương mại (NTFC) theo Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 4/10/2016 của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho biết, TFA với những nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho quốc gia thành viên WTO, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. 

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm tiến tới việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Phong Lâm

Những nội dung của Hiệp định hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ.

"Việc tham gia TFA và triển khai các cam kết theo Hiệp định sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hải quan, đơn giản và chuẩn hóa, tăng cường tính minh bạch trong quy trình thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bước đầu xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai TFA cũng đặt ra những khó khăn thách thức trong bối cảnh năng lực đội ngũ và trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách theo nội dung TFA. Bên cạnh đó, yêu cầu cải cách thủ tục liên quan đến thương mại tại biên giới đòi hỏi sự tham gia không chỉ của cơ quan hải quan mà cả các cơ quan quản lý chuyên ngành để tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại", bà Nga cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, thời gian tới, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực thi, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nghĩa vụ cam kết theo Hiệp định.

Cùng với đó, thúc đẩy việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tối ưu hóa các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro; thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Riêng về hoạt động cải cách chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ chuyên ngành cùng thảo luận, trao đổi, tiến tới xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

“Sắp tới, Tổng cục Hải quan sẽ tích cực thảo luận, trao đổi với các bộ ngành liên quan để xúc tiến hoạt động cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiến tới xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây vừa là mục tiêu nhằm giúp đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vừa là bước quan trọng để thực thi các quy định trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả”, bà Nga nhấn mạnh.

Bảo Lâm

'Điểm danh' các Bộ đi đầu trong đẩy mạnh cắt giảm kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Với Bộ KH&CN, thời gian qua, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan đã được cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa xuống 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang