Sẽ tạm dừng thủ tục hải quan 10 ngày với hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ?

author 10:23 11/11/2019

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, dự thảo bổ sung Điều 7a “Quy định về nộp đơn đề nghị gia hạn, bổ sung, thay đổi thông tin kiểm tra, giám sát hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” như sau:

Đơn đề nghị gia hạn thời hạn, bổ sung, thay đổi thông tin: Người nộp đơn gửi Đơn đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc đề nghị bổ sung, thay đổi thông tin kiểm tra, giám sát đến Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan). Nội dung Đơn đề nghị gia hạn gồm các thông tin tối thiểu sau: Tên tổ chức, cá nhân đề nghị; số, ngày văn bản thông báo chấp nhận kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan; quyền sở hữu trí tuệ đề nghị gia hạn hoặc bổ sung, thay đổi thông tin kiểm tra, giám sát; số, ngày, thời hạn của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thời hạn gia hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 74 Luật Hải quan.

Về thời hạn nộp Đơn đề nghị gia hạn thời hạn kiểm tra, giám sát hoặc bổ sung, thay đổi thông tin kiểm tra, giám sát: Chậm nhất 20 ngày trước ngày hết hiệu lực của văn bản thông báo chấp nhận đề nghị kiểm tra, giám sát lần đầu tiên, người nộp đơn gửi Đơn đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc bổ sung, thay đổi thông tin kiểm tra, giám sát đến Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan).

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 13. "Xử lý đối với hàng giả hoặc hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả" như sau: Trường hợp đủ cơ sở xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng giả thì xử phạt theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa 

Trường hợp phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu là hàng giả, căn cứ vào dấu hiệu và bản chất hàng hóa người có thẩm quyền thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn theo quy định tại khoản 3 Điều 119, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính. Tùy từng mức độ, hành vi vi phạm cơ quan có thẩm quyền áp dụng thêm các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính để xác minh hàng giả; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thực hiện theo quy định tại các Điều 126, Điều 127, Điều 128, Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời gian tạm giữ hàng hóa theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, cơ quan hải quan nơi ban hành quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn thực hiện một hoặc kết hợp các công việc sau để xác định hàng giả:

Yêu cầu chủ sở hữu hàng thật bị làm giả, trong trường hợp đã xác định được chủ sở hữu, cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (như: catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự...) để có cơ sở xác định hàng giả. Trong trường hợp cần thiết, thực hiện lấy mẫu và giám định tại tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý Nhà nước hoặc thương nhân giám định.

Kết thúc thời hạn tạm giữ hoặc trong thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định, trên cơ sở kết luận giám định (trong trường hợp thực hiện giám định) nếu đủ cơ sở kết luận hàng hóa bị nghi ngờ là hàng giả, cơ quan hải quan tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết luận hàng hóa không phải là hàng giả, cơ quan hải quan làm tiếp thủ tục thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp phát hiện tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định.

Đối với những vụ việc phức tạp, hàng hóa có giá trị lớn, liên quan đến nhiều địa phương, cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế thực hiện báo cáo Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp trên và Tổng cục Hải quan để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Việc giải quyết khiếu nại hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do thực hiện biện pháp ngăn chặn của cơ quan hải quan gây ra của chủ hàng được thực hiện theo quy định hiện hành về giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại.

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2015/TT-BTC còn có một số điểm đặc biệt như quy định về việc hàng hóa nằm trong diện bị nghi ngờ sẽ bị tạm dừng làm thủ tục hải quan, thời hạn tạm dừng là 10 ngày. Kết thúc thời hạn tạm dừng, hàng hóa qua kiểm tra bị xác định là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan chức năng sẽ quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục hành chính.

Hàng hóa được xác định là giả mạo về sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng sẽ bị tạm giữ. Cơ quan hải quan cũng sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở trí tuệ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, người vi phạm buộc phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh.

Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan, vụ việc sẽ được bàn giao sang cơ quan có thẩm quyền khác xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật trong trường hợp xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Bảo Lâm

CMCN 4.0 và thách thức từ những đối tượng sở hữu trí tuệ mới(VietQ.vn) - CMCN 4.0 cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho các quốc gia trong vấn đề thực thi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng mới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang