Sẽ thí điểm quản lý xe đạp điện như xe máy?

author 13:38 19/09/2015

(VietQ.vn) - Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng cần xem xét lấy ý kiến các cơ quan chức năng về vấn đề cần đăng ký xe đạp điện như xe máy.

Xe đạp điện ngày càng được các thanh thiếu niên và học sinh sử dụng rộng rãi. Không khó để nhận thấy, đầu năm học mới, các cổng trường cấp 2, cấp 3 tràn ngập xe đạp điện. Bên cạnh những tiện lợi của loại phương tiện này là rất nhiều hiểm họa nếu không biết cách sử dụng an toàn.

Có nên bắt buộc đăng ký với xe đạp điện như xe máy?

Chì cần cha mẹ học sinh lơ là, các em chủ quan, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại các tỉnh thành, xe đạp điện đang trở thành một vấn nạn làm mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), thậm chí nhiều học sinh đã tử vong sau những tai nạn đáng tiếc. Do vậy, bên cạnh vấn đề ý thức của em học sinh thì vấn đề quản lý nhà nước đối với phương tiện này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là có nên quy định bắt buộc phải đăng ký với xe đạp điện hay không.

Quản lý xe đạp điện

Nhiều vụ tai nạn xe đạp điện đã xảy ra trong khi vấn đề quản lý vẫn bị buông lỏng

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, vấn đề đăng ký xe máy, xe đạp điện chúng ta đã bàn từ khá lâu, từ khi trên thị trường xuất hiện và có chiều hướng tăng mạnh các loại xe này. Để chuẩn bị cho năm học mới, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã trao đổi với một số bộ, ngành như: Công an, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo để báo cáo Chính phủ cho phép đơn giản hoá các thủ tục để đăng ký xe máy điện đang lưu hành. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý miễn phí trước bạ đến hết 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đồng ý miễn, giảm lệ phí đăng ký đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện các thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng phương tiện.

Bộ Công an cũng quyết định theo thẩm quyền và hướng dẫn việc miễn các loại hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký đến hết 30/6/2016, bao gồm hoá đơn, chứng từ mua bán xe; Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT (đối với xe nhập khẩu) hoặc Phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Theo quy định hiện tại, xe đạp điện vẫn không cần phải đăng ký như xe máy nhưng nhận định về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho hay: "Với mức độ sử dụng xe đạp điện ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn như hiện nay, chúng tôi cho rằng cần xem xét lấy ý kiến các cơ quan chức năng xem có cần quản lý xe đạp điện như với xe cơ giới thay vì như với xe thô sơ như hiện nay không".

Chỉ 1,6% xe máy điện, xe đạp điện đăng ký

 Cả nước hiện có khoảng 2 triệu xe máy điện, đạp điện lưu thông. Từ năm 2014, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, đăng kiểm, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã nới một số quy định, nhưng tỷ lệ người dân mang xe đi đăng ký, đăng kiểm vẫn chỉ là con số rất khiêm tốn. 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Quản lý Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), đến hết ngày 30-5-2015, số lượng xe điện hai bánh đã thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký theo quy định chiếm tỉ lệ 1,6%, rất nhỏ so với số lượng xe được đưa vào tham gia giao thông. 

Nhiều người dân cho rằng giá trị của những phương tiện này không lớn, nên không cần đăng ký. "Tuy nhiên, một chiếc xe điện hiện nay giá từ 10-15 triệu đồng, không phải là số tiền nhỏ. Nếu như chiếc xe bị kẻ gian lấy cắp thì người dân khó có thể tìm lại nếu không đăng ký biển số”, ông Nguyễn Văn Phương nhận định.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện, đăng ký, cấp biển số cho xe mô tô điện, xe đạp điện còn thiếu chứng chỉ chất lượng của cơ quan đăng kiểm đến hết ngày 30-8-2015. Người sở hữu xe máy điện, đạp điện chỉ cần đưa xe đến cơ quan công an để đăng ký biển số. 

Không chỉ vấn đề ý thức sử dụng xe đạp điện mà vấn đề quản lý chất lượng xe đạp điện hiện nay cũng còn nhiều tồn tại. Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng nhiều loại xe đạp điện hiện nay không đảm bảo. Theo ông Đinh Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH ô tô xe máy Detech, nếu thả nổi quản lý chất lượng xe đạp điện sẽ rất nguy hiểm. 

Về phía doanh nghiệp, nếu không có quản lý thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất nhiều vì nguồn xe đạp điện nhập lậu. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp được chào hàng xe lậu không giấy tờ ở biên giới Trung Quốc, thậm chí ngay tại Việt Nam. Không cần giấy tờ gì cả, kể cả giấy xác nhận chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ, giá rất thấp, muốn loại nào cũng có. 

"Tôi đề nghị lộ trình đăng kiểm thì cần có thời gian, ví dụ như khoảng 3 tháng để giải quyết những lô xe tồn kho của doanh nghiệp. Sau thời gian này thì dù xe gì đi chăng nữa cũng phải có giấy tờ mới được đăng ký. Khi chúng ta đã có chủ trương mới thì cần phải triển khai ngay. Cứ mỗi lần trì hoãn là xe lậu lại tràn về, người dân cũng chần chừ không chịu đi đăng ký, cơ quan quản lý không quản lý được số lượng, chất lượng phương tiện", ông Đinh Văn Bắc nói.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang