Sẽ thu phí bảo trì đường bộ theo cự ly?

author 14:03 26/11/2015

“Việc thu phí bảo trì đường bộ của chúng ta hiện nay không mang lại hiệu quả. Chúng tôi kiến nghị việc thu phí theo cự ly, xe nào đi nhiều đóng nhiều, xe đi ít đóng ít”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Tại hội thảo “Giao thông đô thị bền vững – chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển” diễn ra chiều 25/11, ông Hùng đã nêu ra thực trạng giao thông tại Việt Nam hiện nay cũng như đưa ra những định hướng trong thời gian tới.

7.971 người chết vì tai nạn giao thông

Theo ông Hùng, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 45.000.000 xe cơ giới, trong đó có 2.500.000 xe ô tô, 42.500.000 xe mô tô. Tốc độ cơ giới giao thông khá cao, tỷ lệ này không thua gì những quốc gia phát triển như Thụy Điển và Anh quốc.

Số lượng xe cơ giới tập trung chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. TP.HCM hiện có khoảng 7.210.000 phương tiện giao thông cơ giới còn tại TP. Hà Nội con số này là trên 5.570.000 phương tiện, tốc độ tăng phương tiện cá nhân 12 – 15%/năm.

Tuy nhiên, chúng ta thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch đô thị và giao thông đô thị, thiếu hụt quỹ đất dành cho giao thông. Chính điều này khiến cho sự phát triển giao thông công cộng nước ta không được bền vững.

“Lòng đường, hè phố bị lấn chiếm sử dụng, thiếu quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Ai đến Việt Nam chỉ khoảng 2 giờ là đủ nhận biết ùn tắc như nào. Còn ai ở 1 ngày, tham gia giao thông sáng chiều sẽ nhận ra rất nhiều điều về ách tắc giao thông nước ta”, ông Hùng bình luận.

Sau 5 năm triển khai nghị quyết 88, chỉ số về độ sẵn sàng trong an toàn giao thông quốc gia chúng ta tăng rất nhanh, tỷ lệ tai nạn giao thông giảm mạnh, số người chết vì tai nạn năm 2014 giảm 2.400 người so với năm 2011, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Theo ông Hùng, từ 16/12/2014 đến 15/11/2015, cả nước xảy ra 628 vụ tai nạn giao thông giảm 11,3% so với cùng kì năm ngoái, trong đó có 7.971 người chết và 18.883 người bị thương.

“Số vụ tai nạn giao thông do ô tô gây ra chiếm 20%, nhưng số ô tô chỉ chiếm 6% số phương tiện gây tai nạn giao thông. Ô tô chính là vấn đề của tai nạn giao thông”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phát triển giao thông công cộng

Từ thực tiễn đó, ông Hùng đã đưa ra những giải pháp cho giao thông Việt Nam trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối về vi phạm, hạ tầng, tai nạn, thương vong,…

Các thông tin này tập trung về Ủy ban an toàn giao thông quốc gia để báo cáo Chính phủ và chỉ đạo các địa phương theo những nghị quyết của Thủ tướng.

“Đồng thời, một trong những giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý vận tải công cộng. Không ứng dụng công nghệ thông tin sẽ không có cơ hội nâng cao hệ thống vận tải phát triển”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đặc biệt, tại hội thảo, ông Hùng cũng khuyến nghị việc nghiên cứu thu phí bảo trì đường bộ bằng những ứng dụng công nghệ thông tin. Việc thu phí của chúng ta hiện nay đang theo bình quân năm, không đạt được hiệu quả cao.

“Chúng tôi mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin để thu phí theo cự ly, xe nào đi nhiều đóng nhiều, xe đi ít đóng ít”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hùng muốn ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải có tiền, nguồn thu qua thu phí và xử phạt nên trở thành nguồn chính thức cho hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông.

Trong bài tham luận gửi đến hội thảo, TS.Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết một trong những giải pháp ưu tiên đối với giao thông Việt Nam là phát triển phương tiện công cộng.

Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội sẽ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị đạt khoảng 17%. Tại TP.HCM, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu đi lại trong đó đường sắt đô thị đạt khoảng 18%.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng trong bài phát biểu của mình cho rằng, phát triển phương tiện công cộng phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, hạn chế phương tiện cá nhân đặc biệt là xe máy là giải pháp tối ưu nhất cho bài toán ách tắc giao thông hiện nay.

Ông Hùng cũng đã đề xuất với các doanh nghiệp Thụy Điển đến Việt Nam hãy không đơn thuần là giới thiệu giải pháp mà đi nên cùng với các nhà đầu tư tài chính, để tham gia phát triển giao thông Việt Nam.

Theo Bizlive


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang