Sẽ ứng nguồn cho các địa phương hụt thu

author 07:01 16/02/2014

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, đối với các địa phương hụt thu trong năm 2013, sau khi đã sử dụng nguồn lực tài chính tại chỗ theo quy định, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi mà vẫn còn thiếu nguồn, cần báo cáo gửi về Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ứng nguồn để chi và địa phương có trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách trung ương trong năm 2014.

Để điều hành tốt công tác ngân sách từ nay đến hết Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Bộ Tài chính đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, điều hành tập trung mọi lực lượng thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách cho đến ngày giờ cuối cùng của năm; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, các cơ quan tài chính địa phương làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để phục vụ nhiệm vụ thu-chi ngân sách.

Bộ Tài chính quyết định "ứng vốn cho những địa phương hụt thu (Ảnh minh họa)


Đối với các địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu cần chú ý điều hành ngân sách trên địa bàn (bao gồm cả ngân sách cấp tỉnh và các cấp huyện, xã) đảm bảo nguồn lực chi trả lương, các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng; không để xảy ra tình trạng nợ lương, chậm chi trả các chính sách an sinh xã hội.

Các địa phương hụt thu, sau khi đã sử dụng nguồn lực tài chính tại chỗ theo quy định, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi mà vẫn còn thiếu nguồn, đề nghị có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ứng nguồn để chi; địa phương có trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách trung ương trong năm 2014.

Đối với các địa phương vượt thu, sau khi dành nguồn cải cách tiền lương theo quy định, được sử dụng để xử lý các nhu cầu cấp bách phát sinh, trong đó đề nghị ưu tiên hoàn trả các khoản vay, nợ xây dựng cơ bản và chuyển nguồn năm sau để chủ động trong điều hành ngân sách.

Bộ Tài chính yêu cầu, các bộ, ngành và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá; danh mục phải kê khai giá; điều hành cung ứng và luân chuyển hàng hoá để đáp ứng nhu cầu; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, góp phần kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong điều hành thu NSNN, ngay từ đầu năm 2013, sớm nhận định được những khó khăn, thách thức đối với công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo, đề xuất các giải pháp, đồng thời đã tổ chức triển khai có hiệu quả ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo thu NSNN.

Trong điều hành, Bộ Tài chính đã liên tục theo dõi, đánh giá, chỉ đạo hệ thống thuế, hải quan và các đơn vị chức năng của Bộ đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu năm 2013 giảm số nợ đọng thuế nội địa xuống dưới 5%; đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán.

Bộ Tài chính đã điều chỉnh chính sách chống thất thu, gian lận thương mại trong kê khai, nộp, hoàn thuế GTGT. Cụ thể, đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT (có hiệu lực từ 1-1-2014), trong đó nâng điều kiện hoàn thuế đối với các trường hợp có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong 3 tháng liên tục như hiện nay lên 12 tháng liên tục. Đồng thời, đã chỉ đạo rà soát sửa đổi quy định về điều kiện in ấn, sử dụng hóa đơn theo hướng bổ sung các điều kiện được phép sử dụng hóa đơn tự in, tăng cường công tác quản lý, ghi chép hóa đơn...

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc thật sự của các Bộ, ngành, và đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền địa phương và nỗ lực, năm 2013 ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ thu-chi NSNN theo dự toán Quốc hội đã quyết định.

Theo Báo Hải Quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang