Chữa ho cho trẻ: cha mẹ không được chủ quan

author 22:17 27/10/2013

(VietQ.vn) - Cho rằng ho mà không sốt, thở khó nhọc chỉ là dấu hiệu cơ thể trẻ phản ứng với sự thay đổi của thời tiết, nhiều bà mẹ chủ quan không để ý, đợi con tự khỏi, không chữa ho cho trẻ cẩn thận khiến sức khoẻ của con bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Cho rằng ho mà không sốt, thở khó nhọc chỉ là dấu hiệu cơ thể trẻ phản ứng với sự thay đổi của thời tiết, nhiều bà mẹ chủ quan không để ý, đợi con tự khỏi mà không biết rằng, việc mẹ thiếu cẩn thận giữ gìn cho con khi kháng thể giảm sút khiến sức khoẻ của con bị ảnh hưởng, trẻ có thể ho kéo dài, thậm chí một số trẻ chuyển bệnh sang viêm phế quản – phổi...

Cần chú ý trẻ bị ho khi chuyển mùa

“Cậy” là dược sĩ, có chút hiểu biết về nghề y, chị Thuận (Trần Cung, Hà Nội) nhất mực phản ứng chồng và mẹ chồng khi mọi người cứ kêu ca thằng bé ho lâu. Chị cho rằng, chuyển mùa... trẻ phải ho mới là tốt. Ấy là việc cơ thể trẻ phản ứng lại những thay đổi để thích nghi. Nếu dùng thuốc ức chế ho, sau trẻ sẽ thành quen, cơ thể không hình thành phản xạ thích ứng. Như thế, chỉ cần ra ngoài, hay đi đâu, hay mỗi khi thời tiết thay đổi, con sẽ hay ốm hơn. Còn nếu cứ để 1, 2 lần như thế, dần dà cơ thể con sẽ khoẻ hơn, môi trường nào cũng sống được.

Điều đáng nói là chị còn “bảo thủ” cho rằng, không phải giữ gìn gì quá. Chị viện dẫn minh chứng là ở bệnh viện chị làm, mùa này, hầu như nhập viện toàn trẻ được nâng niu quá. Còn những đứa trẻ nhà quê thò lò mũi xanh thì cứ vài hôm lại tự khỏi, chả mất viên kháng sinh nào.

Thế là chị vẫn tắm cho con bằng thứ nước chỉ vừa tan giá như mùa hè. 9-10 giờ tối nổi hứng đi ăn đêm chị vẫn cho thằng bé đi theo dù bà nội phản đối. Con đi học sớm lạnh, chị cũng “gan lì” bố mẹ mặc thế nào thì con mặc thế, chưa việc gì phải ủ ấm như trẻ sơ sinh cả.

Đến tận khi cô giáo có ý kiến con ho quá nhiều, đề nghị mẹ cho con ở nhà nghỉ ngơi; bà nội ở nhà trông cháu ăn bữa nào cũng trớ, bữa nửa bữa cả bát, cứ vừa buông tay cháu ho cái là hết; rồi đêm con cũng trằn trọc không ngủ được vì ho,gầy sút thấy rõ, chị mới tá hoả bế con đi khám. Rất may con có đề kháng khá tốt nên vẫn chưa bị viêm đường hô hấp, nhưng bác sĩ cũng đề nghị chị bắt đầu dùng thuốc cho con, và giữ gìn hơn cho con trong sinh hoạt hàng ngày để đề phòng con chuyển bệnh.

Chữa ho cho trẻ cần phải được thực hiện đúng nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Chữa ho cho trẻ không đúng cách có thể khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt chú ý trẻ ho kéo dài

Theo tài liệu bệnh học của Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP Hồ Chí Minh, trẻ bị ho liên tục trên 4 tuần được coi là ho kéo dài. Ho kéo dài có nhiều nguyên nhân khác nhau như nguyên nhân tại phổi (hen, dị vật, lao...) hoặc nguyên nhân ngoài phổi (viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý tim mạch, tác dụng phụ của thuốc...). Trong một số trường hợp, ho kéo dài là biểu hiện của bệnh nên cha mẹ trẻ không được chủ quan.

Phân loại nguyên nhân ho kéo dài theo tuổi (Tài liệu BV Nhi đồng 1)
 
Trẻ nhũ nhi: Trào ngược dạ dày, nhiễm trùng (Tác nhân nhiễm trùng: nhiễm virus hợp bào hô hấp, ho gà, nhiễm Chlamydia, Cytomegalovirus, lao), dị tật bẩm sinh đường hô hấp (dị tật đường dẫn khí, dò khí quản thực quản), tim bẩm sinh, ô nhiễm môi trường (hít khói thuốc lá, bụi bặm), hen phế quản.
 
Trẻ nhỏ: Tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm, hen phế quản, ô nhiễm môi trường, trào ngược, dị vật.
 
Trẻ lớn: Hen phế quản- chảy mũi sau, ô nhiễm môi trường, lao, giãn phế quản, ho do tâm lý.

Khi trẻ ho kéo dài bố mẹ phải đưa đi khám cẩn thận. Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, tìm hiểu tiền sử dị ứng, hen phế quản trong gia đình, thăm dò tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bặm, tiền căn tiếp xúc nguồn lây lao... cùng với một số xét nghiệm thích hợp để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp nguyên nhân phức tạp, trẻ cần được khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi, Hô hấp.

Cũng theo tài liệu của Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ ho kéo dài cần được làm các xét nghiệm: chụp X-quang phổi, công thức máu; Thử nghiệm lao như: tốc độ lắng máu, IDR tìm phản ứng trong da với lao, tìm vi trùng lao trong đàm hay dịch dạ dày; Chụp hình xoang; Đo chức năng hô hấp; Siêu âm bụng (trẻ nhũ nhi); Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán tìm vi trùng Mycoplasma, Chlamydia, ho gà; Nội soi phế quản (nghi ngờ dị vật).

Khi trẻ đã ho kéo dài, nếu tìm ra nguyên nhân do bệnh, trẻ cần được điều trị tích cực để chấm dứt giai đoạn bệnh sớm. Trong trường hợp ho do dị ứng, ho do các yếu tố môi trường, chăm sóc... cần khắc phục triệt để. Tránh tình trạng kéo dài, trẻ sẽ mệt, kém ăn kém ngủ, gầy sút, và có thể diễn biến bệnh nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp....Nếu trẻ ho quá nhiều gây tím tái khó thở, ăn thường bị trớ, ngủ không ngon, có thể đề nghị bác sĩ kê thuốc ức chế cơn ho tạm thời.

Các bác sĩ chuyên khoa Nhi đưa ra lời khuyên: cha mẹ nên đưa trẻ đi khám, tìm nguyên nhân ngay từ khi con mới ho. Cho dù chỉ ho ít do dị ứng thời tiết, nhiễm lạnh hay gặp môi trường ô nhiễm (khói thuốc lá, bụi bẩn...), có thể tự khỏi sau 5 – 10 ngày thì cha mẹ cũng cần giữ gìn cho con, quan sát theo dõi nếu thấy con trở ho nhiều, nặng hơn, ho ảnh hưởng đến ăn uống, giấc ngủ của bé cũng cần trở lại gặp bác sĩ để được thăm khám lại ngay.

Lúc chuyển mùa là khi sức đề kháng của trẻ yếu đi nhiều, chính vì thế, cha mẹ nên giữ gìn cho con, tránh ăn uống lạnh. Mặc vừa đủ ấm. Nên hạn chế cho trẻ ra ngoài buổi tối. Có thể sử dụng thêm các món ăn, đồ uống có tác dụng phòng ho được dân gian truyền lại như mật ong quất, chanh đào.....

Vũ Anh
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang