Sếp VNPT-Technology: Để làm chủ công nghệ DN cần tăng cường hợp tác, sáng tạo, dẫn dắt xu hướng

author 06:48 10/05/2019

(VietQ.vn) - Ông Lý Quốc Chính cho rằng, để tăng thu nhập trung bình, Việt Nam cần phát triển khoa học công nghệ một cách thực chất, có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều doanh nghiệp công nghệ cao.

Chia sẻ tại “Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam", ông Lý Quốc Chính, Giám đốc công nghệ Công ty VNPT-Technology cho biết, định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp là hướng đi duy nhất để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ông cũng đánh giá cao kinh nghiệm phát triển, tăng thu nhập nhờ công nghệ của Hàn Quốc.

Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông cho rằng, để tăng thu nhập trung bình, Việt Nam cần phát triển khoa học công nghệ một cách thực chất, có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều doanh nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị, hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực R&D. Đây cũng là vấn đề nhức nhối mà doanh nghiệp đang quan tâm.

Theo đại diện VNPT-Technology, năm 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 2 bậc. Trong vài năm vừa qua, Chính phủ đã tiến hành sửa đổi bổ sung nhiều luật, nghị định để hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghệ cao.

"Để làm chủ công nghệ, bước đầu tiên các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, sáng tạo thiết kế, phát triển công nghệ mới và dẫn dắt xu hướng", ông Chính gợi ý. Hiện tại, Việt Nam chỉ có 35 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70%.

Tại diễn đàn, đại diện VNPT-Technology tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp bước đầu là đi hợp tác với các đối tác công nghệ nguồn như Intel, Qualcomm, Mediatek... dựa vào đó thiết kế và tạo ra những sản phẩm riêng. Doanh nghiệp mong muốn tạo ra những công nghệ dẫn dắt thị trường, xu hướng trong tương lai.

Để làm được điều đó, VNPT đề xuất mục tiêu rõ ràng, đầu tư mạnh cho R&D, hợp tác và nghiên cứu. Với quy tắc hoạt động này, VNPT Technology đã đạt được nhiều thành tựu như cung cấp ra thị trường hơn 8 triệu sản phẩm.

Ông Lý Quốc Chính, Giám đốc công nghệ Công ty VNPT-Technology. Ảnh: VNE

Về kiến nghị, đề xuất, đại diện doanh nghiệp đưa ra 3 ý lớn. Thứ nhất là, quy định doanh nghiệp công nghệ cao (cho phép đầu tư R&D nhiều hơn; cơ chế trả lương R&D cạnh tranh; tạo nguồn lực, đủ năng lực trình độ và sức cạnh tranh quốc tế).

Thứ hai là, hỗ trợ đầu ra của sản phẩm Việt (xây dựng hàng rào phi thuế quan, hạn chế hàng nhập khẩu; truyền thông giúp người tiêu dùng hiểu đúng về khả năng phát triển sản phẩm của Việt Nam; hỗ trợ các chính sách xuất khẩu).

Thứ ba là, chính sách hỗ trợ tài chính (tiếp cận và hưởng các ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp công nghệ cao; các chính sách ưu đãi về thuế và giải quyết các vướng mắc khi sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khoa học công nghệ). Ngoài ra, ông cũng đề xuất một số hỗ trợ khác như mở rộng phát triển công nghệ phụ trợ; thành lập hiệp hội doanh nghiệp công nghệ; xây dựng cộng đồng làm sản phẩm công nghệ kết hợp doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu.

Trước đó, khi phát biểu tại "Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính cho tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển doanh nghiệp công nghệ để đến 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân số ở tầng lớp trung lưu. Đó là một cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. "Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, quản lý, có năng lực phát minh ra những công nghệ mới, đi đầu trong thiết kế, sản xuất chất lượng cao", ông nói.

Hiện, Việt Nam mới mua các dây chuyền công nghệ, công nghệ nguồn còn rất ít. Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toán toàn cầu.

Thủ tướng cũng khẳng định, doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hoá rồng". Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ không còn là vị thế, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Bảo Bình

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu'(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang