Siêu lợi nhuận, buôn tân dược giả ngày càng tinh vi

author 07:49 19/09/2013

Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng của ngành Y tế cũng như lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại thuốc tân dược giả và kém chất lượng.

Tuy nhiên, tình trạng buôn bán thuốc giả không có chiều hướng giảm mà ngày càng đa dạng, phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước.
 
Mảnh đất “màu mỡ”

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Phòng chống tội phạm và ma túy (PCTPMT) BĐBP, chỉ tính riêng trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các đồn, trạm biên phòng trong cả nước đã bắt giữ hơn 30 vụ buôn bán, vận chuyển các loại thuốc tân dược, dược liệu giả, kém chất lượng qua biên giới. Tang vật thu giữ gồm trên 150kg và hàng ngàn hộp thuốc tân dược giả các loại, trong đó có nhiều loại thuốc quan trọng như: thuốc sốt rét, kháng sinh, Viagra và một số loại thuốc đặc trị khác. Điều đáng nói ở đây là số tân dược giả này chủ yếu được nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch, qua các khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan hoặc các khu tạm nhập, tái xuất. Điển hình, vào lúc 13 giờ 15 phút, ngày 2-7-2012, 2 chị em ruột: Tẩn Mý Chản (SN 1971) và Tẩn U Mẩy (SN 1982) trú tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang trên đường nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam “cõng” theo hơn 100 kg thuốc tân dược giả, kém chất lượng để về bán kiếm lời thì bị lực lượng trinh sát PCTPMT của Đồn BP Huổi Luông, BĐBP Lai Châu phát hiện và bắt giữ. Tiếp đó, ngày 20-8-2012, đối tượng Ngô Thanh Sơn (SN 1975, trú tại khu 1, Bình Ngọc, Móng Cái) đang trên đường vận chuyển trái phép 55kg thuốc tân dược giả, kém chất lượng qua biên giới thì bị lực lượng biên phòng bắt giữ.  

Số lượng lớn tân dược giả cơ quan chức năng đã thu giữ.


Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục PCTPMT BĐBP cho biết, theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung Quốc là một trong những nước có nạn sản xuất thuốc giả đứng hàng đầu thế giới. Nhận thấy tác hại của việc sử dụng thuốc giả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng nên trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hàng ngàn cơ sở sản xuất và kinh doanh tân dược giả. Tuy nhiên, dường như các biện pháp trừng phạt vẫn không làm bọn đầu nậu kinh doanh loại thuốc giết người này e ngại. Các cơ sở sản xuất tân dược giả vẫn bùng nổ và gần như trở thành một kỹ nghệ thương mại ở nước này, đặc biệt ở đặc khu Thâm Quyến. Việt Nam có 7 tỉnh phía Bắc có chung đường biên giới với Trung Quốc với hàng chục cửa khẩu lớn nhỏ và hàng ngàn đường tiểu ngạch. Hiện Việt Nam đứng thứ 13/175 quốc gia về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho dược phẩm. Vì thế, bọn tội phạm trong nước cũng như quốc tế luôn coi đây là một địa bàn “màu mỡ” để sản xuất, vận chuyển và buôn bán tân dược giả. Trong khu vực các nước Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Lào về số lượng mẫu thuốc giả bị phát hiện.

Tai họa nghiêm trọng

Theo WHO, bình quân mỗi năm trên thế giới có tới 200.000 người tử vong do sử dụng tân dược giả. Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, thậm chí còn gây tử vong cho người bệnh.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, một trong những nguyên nhân khiến các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bùng phát triển mạnh tại thị trường châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng là do ở các nước này hiện đang có nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ, trong khi các biện pháp ngăn chặn lại không hiệu quả. Trong khi đó, do kinh doanh tân dược giả, kém chất lượng mang lại siêu lợi nhuận (mức sinh lời từ 200 - 450 lần) nên các cửa hàng bán lẻ thuốc sẵn sàng nhập từ những đơn vị, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh tân dược. Mặt khác, hầu hết tân dược giả, kém chất lượng đều có mẫu mã bao bì và hình thức giống như thuốc thật nên dễ đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện nay, tình trạng mua bán tân dược giả qua internet, dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính ngày càng gia tăng đang chứa đựng một nguy cơ rất lớn cho người sử dụng tân dược. Đáng lo ngại hơn, các loại thuốc nhãn mác giả, kém chất lượng không chỉ tập trung vào một số loại mà rất đa dạng, phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì các loại thuốc tân dược giả, kém chất lượng này sẽ trở thành một tai họa nghiêm trọng.

Qua điều tra được biết, hiện nay, trên thị trường có 3 loại thuốc được lưu thông bao gồm tân dược, đông dược và dược liệu. Trong đó, các loại thuốc kháng sinh như viên nang Ampicillin 500mg và Augmentin 625mg là hai sản phẩm thuốc bị làm giả nhiều nhất ở Đông Nam Á do được bác sĩ kê toa nhiều nhất cho các bệnh nhân. Ngoài ra, bọn làm giả thuốc còn “phù phép” biến thuốc chữa dạ dày thành kháng sinh đặc trị viêm phổi, nước cất thành thuốc chữa bệnh thần kinh, dùng nước đường để bào chế thành xirô trị ho cho trẻ em, thay đổi nhãn mác biến thuốc châu Á thành thuốc sản xuất từ châu Âu. Nhiều nhà thuốc trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn còn bán các loại thuốc đã quá hạn sử dụng không được phép lưu hành, như thuốc bổ Dodecavit, thuốc viêm khớp Colchicine, ho long đờm, Strychnin Sulfat… Không chỉ có các loại tân dược thông thường bị làm giả mà hiện nay trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại thuốc đông dược, dược liệu được làm giả, làm nhái, nhiều nhất phải kể đến các vị thuốc như Liên nhục, Hoàn kỳ, Hồng kỳ, Ý dĩ…, với trình độ làm thuốc giả ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Những bất cập cần được “tháo gỡ”

Đề cập đến một số khó khăn, bất cập liên quan đến cuộc chiến thuốc giả, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục PCTPMT BĐBP cho biết, hiện nay việc chống sản xuất và buôn bán tân dược giả do nhiều cơ quan quản lý: Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường, Bộ Y tế… Tuy nhiên, từng này lực lượng cũng khó quản lý được thị trường tân dược, đây chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng thuốc tân dược giả, dược liệu giả trên nhiều tuyến đường bộ, đường biển, hàng không và bưu điện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt những trường hợp buôn bán, sản xuất và vận chuyển tân dược giả, kém chất lượng vẫn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe và làm “chùn” bước của những kẻ buôn lậu. Mặt khác, chúng ta chưa có một sự thống nhất về khái niệm thuốc giả; đồng thời chưa có tiêu chuẩn để phân biệt giữa thuốc kém chất lượng với thuốc giả và cũng chưa có quy định thuốc quá hạn sử dụng là thuốc giả hay là thuốc kém chất lượng. Thực tiễn còn cho thấy, có rất nhiều loại thuốc bị “làm nhái”, nhưng có bị coi là thuốc giả hay không, hiện cũng chưa rõ ràng.

Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng nhập lậu qua biên giới rồi “phát tán” ra ngoài thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh tân dược; hoàn thiện pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả; cần tách hành vi sản xuất, buôn bán tân dược giả thành một tội danh độc lập. Bên cạnh đó, cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào.

Theo BVPL

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang